Khi các CEO 'tháo chạy'
Ba trong số hàng chục CEO đã quyết định rút ra khỏi các ban cố vấn của Tổng thống Donald Trump (từ trái qua: Brian Krzanich, CEO của Intel, Kevin Plank, nhà sáng lập Under Armour và Kenneth C. Frazier, CEO của Merck). Ảnh: GettyImage |
Tháo chạy
Ngày thứ Ba tuần trước (15-8), bà Indra Nooyi, Giám đốc điều hành của PepsiCo, đã có cuộc gọi hội nghị với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng khác. Họ cũng giống như bà, trước đây đã đồng ý tham gia hội đồng tư vấn chính sách chiến lược và kinh tế cho Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nay thì họ đang chuẩn bị cho một cuộc ra đi.
Cùng với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khác, bà Nooyi đã theo dõi sát sao diễn biến cuối tuần trước khi ông Trump đổ lỗi cho “các bên” về một buổi diễu hành. Cuối cùng biến thành bạo lực đẫm máu khiến một phụ nữ thiệt mạng và 19 người khác bị thương. Vụ này liên quan đến một nhóm là những người thượng tôn da trắng và một nhóm phản đối với nhóm này tại thành phố Charlottesville, bang Virginia, Mỹ hôm thứ Bảy 12-8-2017.
Bà Nooyi đã nói chuyện với Mary T. Barra, người đứng đầu General Motors; Virginia M. Rometty, Giám đốc điều hành của IBM, và Rich Lesser, Giám đốc điều hành của Boston Consulting Group. Tất cả họ đều băn khoăn có nên rút ra khỏi Diễn đàn chính sách và chiến lược, một tổ chức bao gồm những doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ được thành lập cuối năm ngoái nhằm tư vấn cho tổng thống các vấn đề liên quan tới kinh tế.
Khi cuộc gọi hội nghị này diễn ra, một nhóm khác có tên Hội đồng tư vấn sản xuất, nhóm tư vấn kinh doanh chính của tổng thống, đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu tan rã. Thứ Hai (14-8) tuần trước, Giám đốc điều hành của tập đoàn dược phẩm Merck, ông Kenneth Frazier, người da màu, đã rút lui khỏi nhóm cố vấn sản xuất này. Theo sau quyết định của Frazier là của các CEO Intel, Under Armour (một doanh nghiệp Mỹ chuyên sản xuất đồ thể thao) và các đại diện nhóm lao động và liên minh kinh doanh phi lợi nhuận.
Đáp lại sự tháo chạy của các CEO, ông Trump đã gửi thông điệp tới họ qua Twitter hôm thứ Ba rằng nếu họ ra đi, sẽ có nhiều người khác thay thế. Đồng thời, trong cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, ông Trump chỉ trích công ty Merck đã sản xuất sản phẩm của mình ở nước ngoài. “Chúng tôi muốn sản phẩm được sản xuất trong nước”, ông nói và cho rằng những người rời khỏi hội đồng của ông “không chấp nhận công việc của mình một cách nghiêm túc” và “rời bỏ trong sự xấu hổ”.
“Khẩu chiến” diễn ra trong hai ngày thứ Hai và thứ Ba đã khiến các CEO còn lại trong nhóm tư vấn phải lựa chọn giữa việc ở lại và tiếp tục chịu đựng những rủi ro khi hợp tác với một vị tổng thống khó dự đoán này hay là ra đi. Liệu họ nên ở lại giữ ghế trong hội đồng để có tầm ảnh hưởng tới chính sách hay nên nhường vị trí này cho đối thủ? Hay liệu họ nên ra đi để xoa dịu sự tức giận của khách hàng, để tránh sự phân tâm trong các cuộc tranh luận chính trị, hay vì chính cảm xúc của họ về những phản ứng của ông Trump tới sự việc diễn ra ở Charlottesville?
Tan rã
Tại thời điểm thứ Ba, một số CEO trong nhóm tư vấn còn lưỡng lự trong quyết định của mình.
Các CEO này đã “sát cánh” cùng tổng thống trong những tháng gần đây, thậm chí ngay cả khi ông Trump đưa ra những quyết định mà họ kịch liệt phản đối, bao gồm chính sách thắt chặt nhập cư hồi đầu năm và rút lui khỏi Hiệp định khí hậu Paris trong tháng 6. Song, một số CEO cho rằng, sự khoan dung một cách công khai của ông Trump đối với bạo lực dân tộc chủ nghĩa da trắng là một hành động đi quá giới hạn.
Sáng thứ Tư (16-8), Laurence D. Fink, CEO của BlackRock, nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới, đã gọi điện hội nghị cho bà Nooyi (PepsiCo), bà Rometty (IBM), bà Barra (General Motors) và ông Douglas McMillon, CEO Walmart. Ông Fink cho biết đã quyết định rút lui sau khi chứng kiến tuyên bố của Tổng thống hôm hôm thứ Ba nhấn mạnh quan điểm của ông là lỗi trong vụ bạo động ở Charlottesville là do “các bên”. Ông Flink cũng động viên các CEO khác hành động giống mình.
Trong suốt 40 phút đàm thoại, quyết định đã rõ, các thành viên muốn giải tán nhóm diễn đàn chính sách và sản xuất này.
Sau khi tuyên bố giải tán, nhiều CEO ban đầu ủng hộ ông Trump thì nay từng người một đã bắt đầu “nói lời chia tay” với ông Trump một cách rõ ràng.
“Trong tuần qua, chúng tôi đã nhìn, đã nghe về những sự kiện và các tuyên bố công khai đi ngược lại với giá trị của chúng ta là một quốc gia, một doanh nghiệp”, bà Rometty của IBM nói.
Còn Jeffrey Immelt, Chủ tịch của General Electric, cho biết: “Phát biểu của Tổng thống ngày thứ Ba là cực kỳ rắc rối”.
Giám đốc điều hành JP Morgan Chase, Jamie Dimon, một thành viên của Diễn đàn chính sách và chiến lược, đã thông báo tới nhân viên của mình vào ngày thứ Tư rằng ông đã quyết định rút lui sau buổi họp báo hôm thứ Ba của ông Trump. Buổi họp báo này rõ ràng cho thấy sự cảm thông của ông đối với những người biểu tình ủng hộ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
“Các chính sách quản lý và kinh tế mang tính xây dựng là không đủ và sẽ không là gì nếu chúng ta không giải quyết những rạn nứt trong lòng xã hội”, ông Dimon viết cho nhân viên của mình. “Vai trò của một nhà lãnh đạo, trong kinh doanh hay trong chính phủ, để mang mọi người lại với nhau chứ không phải chia rẽ họ”.
Khoảng cách ngày càng lớn
Với sự đổ vỡ của các hội đồng tư vấn, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mất nhóm cử tri tự nhiên nhất của mình - nhóm các lãnh đạo doanh nghiệp, những người lẽ ra luôn ủng hộ ông để được hưởng lợi từ chương trình nghị sự hướng tới các quy định thông thoáng và thuế suất thấp của ông.
Trước quyết định của các CEO, ông Trump đã viết trên trang Twitter cá nhân của mình vào trưa thứ Năm: “Thay vì tạo áp lực tới lãnh đạo doanh nghiệp trong Diễn đàn Chính sách, chiến lược và hội đồng sản xuất, tôi giải tán cả hai. Cảm ơn tất cả”.
Trước đó, ông Trump nổi tiếng là một doanh nhân, một nhà kinh doanh bất động sản và ngôi sao truyền hình thực tế. Ông đã xây dựng hình ảnh của mình như một ông chủ hoàn hảo, đưa ra lời khuyên đầu tư và phổ biến cụm từ “Bạn đã bị sa thải!” trong chương trình truyền hình “Người học việc”.
Với tư cách là tổng thống, ông đã đưa vào Nhà Trắng hàng loạt CEO từ Wall Street, bổ nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp vào một loạt loạt vị trí quan trọng trong chính quyền. Và ông cũng đã ngay lập tức thành lập các nhóm tư vấn kinh doanh với sự tham gia của các CEO hàng đầu quốc gia.
Nhưng bảy tháng qua, kể từ khi nhậm chức, ông Trump phải đối mặt với tình huống không dễ chịu chút nào: ngày càng ít lãnh đạo doanh nghiệp mong muốn hợp tác với tổng thống, người luôn đưa ra các chính sách và quan điểm được cho là rất “bất bình thường”.
“Có nhiều áp lực đối với các CEO từ khách hàng, nhân viên, cổ đông và thành viên hội đồng quản trị để họ quyết định chống lại những gì đang diễn ra và tách biệt họ khỏi các hội đồng của Tổng thống Trump”, Bill George, cựu CEO của nhà sản xuất thiết bị y tế Medtronic và thành viên hội đồng quản trị của Goldman Sachs nói với The New York Times. “Những vị CEO này không thể sống với khách hàng luôn nghĩ rằng họ đang cấu kết với ai đó ủng hộ chủ nghĩa thượng tôn da trắng hoặc neo-Nazis (tân phát xít - những người theo quan điểm ủng hộ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc)”.
Việc rời khỏi nhóm tư chính sách của tổng thống không phải là một quyết định dễ dàng. Những CEO thuộc nhóm tư vấn chính phủ không chỉ có uy tín cao trong giới lãnh đạo mà họ còn có cơ hội gây ảnh hưởng tới chính sách và định hình các chương trình nghị sự của tổng thống. Nhưng sau những sự kiện bị công chúng chỉ trích mạnh mẽ gần đây, động lực này đã mất. Đã lâu rồi không còn cuộc họp của những nhóm này nữa. “Họ có một vài buổi họp nhưng rất hình thức”, Anat R. Admati, Giáo sư tài chính và kinh tế tại trường Kinh doanh Stanford, nói.
Tuy vậy, mức độ tham gia của các CEO vào nhóm này hay quyết định rút lui của họ đều là “phong biểu vũ” đo lường sự ủng hộ của họ đối với Tổng thống D. Trump. Sự “tháo chạy” gần đây đã cho thấy dự chia rẽ ngày càng lớn giữa Tổng thống D. Trump và các lãnh đạo doanh nghiệp.
“Trong lịch sử nước Mỹ, chưa bao giờ có việc các lãnh đạo doanh nghiệp từ chối tham gia dịch vụ quốc gia khi tổng thống yêu cầu”, Jeffrey Sonnenfeld, Giáo sư về hành vi tổ chức tại trường Yale School of Management, nói. “Giờ thì họ đã quay lưng lại với ông”.
Cựu CEO GE Jeff Immelt sắp trở thành CEO Uber Quá trình dai dẳng và kịch tính giành "chiếc ghế nóng" CEO mới của Uber đang đi đến hồi kết. |
[Infographic] Người giàu nhất ở mỗi tiểu bang của Mỹ năm 2017 Infogrpahic dưới đây cho thấy người giàu mở mọi tiểu bang của Mỹ năm 2017, theo dữ kiện mới nhất từ Forbes. |
16 CEO được trả lương cao nhất ngành ngân hàng Các CEO được trả lương cao nhất ngành ngân hàng có xu hướng làm việc cho các ngân hàng lớn của Mỹ, đồng thời cũng ... |