Khảo sát của WWF: Châu Á 'tụt hậu' trong xu hướng xanh của thế giới
Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) ngày 17/1 cho biết một nghiên cứu về các cam kết của các khách hàng mua dầu cọ về góp phần hạn chế tình trạng phá rừng cho thấy 25% khách hàng, hầu hết ở châu Á, vẫn chưa thực hiện những cam kết để mua các nguồn dầu cọ được chứng nhận bền vững, không gây hại cho môi trường.
Nghiên cứu trên đã đánh giá 173 khách hàng lớn về dầu thực vật, trong đó có các nhà bán lẻ, hàng tiêu dùng, các doanh nghiệp và công ty thực phẩm, ở Mỹ, Canada, châu Âu, Australia, Singapore, Indonesia và Malaysia.
Mỗi doanh nghiệp được đánh giá dựa trên cam kết của họ về các chính sách liên quan tới vấn đề phá rừng trong các chuỗi cung cấp và việc mua nguồn cung cấp dầu cọ bền vững.
Dầu cọ là dầu ăn được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới, có trong nhiều sản phẩm như xà phòng, song đang vấp phải sự “soi xét” của các nhà hoạt động về môi trường và người tiêu dùng với lý do dẫn tới tình trạng phá rừng, cháy rừng...
Sức ép đối với các doanh nghiệp trong việc mua dầu cọ bền vững - từ các nhà đầu tư, chính phủ, người tiêu dùng và các tổ chức bảo vệ môi trường - ở châu Á thấp hơn so với các khu vực khác như châu Âu, Mỹ và Australia trong một thập niên qua.
Tuy vậy, chuyên gia Elizabeth Clarke của WWF ở Singapore cho rằng đã đến lúc phải thay đổi vì hơn 50% lượng dầu cọ trên thế giới được tiêu thụ ở châu Á.
Năm 2010, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trên thế giới mua và sử dụng dầu cọ đã nhất trí đảm bảo các nguồn cung dầu cọ của họ không "góp phần" gây ra tình trạng phá rừng trong một thập niên song nhiều công ty trong số này gặp khó khăn để có thể thực hiện cam kết trên.
Theo kết quả nghiên cứu trên, 117 doanh nghiệp đã đưa ra cam kết công khai về việc chỉ sử dụng dầu cọ được chứng nhận bền vững và chỉ có 78 doanh nghiệp thực hiện được cam kết.