|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Khánh Hòa sẽ bố trí đất tái định cư hoặc xây chung cư cho người dân vùng sạt lở thuê

10:05 | 22/06/2020
Chia sẻ
Mới đây UBND thành phố Nha Trang đưa ra 2 phương án để di dời các hộ dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên các phương án vẫn chưa có sự thống nhất...

Sống trong vùng nguy cơ sạt lở

Theo UBND TP Nha Trang, hiện TP gần 80 điểm xung yếu có khả năng xảy ra sạt trượt, lở đất đá khi xảy ra mưa lớn tại 19/27 xã, phường.

Khánh Hòa khó di dời người dân vùng sạt lỡ - Ảnh 1.

Cơn mưa lớn cuối năm 2018 đã cuốn trôi nhiều nhà dân và khiến nhiều người tại thôn Thành Đạt và Thành Phát thiệt mạng. (Ảnh: Khải An)

Trong đó, xã Phước Đồng có nhiều điểm xung yếu nhất với 13 điểm tại khu vực dọc triền núi, ven suối tràn - thôn Phước Sơn; dọc triền núi, ven suối Ván - thôn Phước Thượng; dọc theo triền núi, ven suối Gáo, suối Khô núi Hòn Thị, Gò Bông - thôn Phước Điền; dọc theo triền núi Xanh - thôn Phước Lộc, thôn Phước Hạ; dọc theo triền núi khu vực xóm núi chùa Lâm Tỳ Ni - thôn Thành Phát; dọc theo triền núi Hòn Rớ khu dự án Sea Park xóm Mũi - thôn Thành Đạt…

Cuối năm 2018, cơn mưa lớn đã làm hàng loạt khu dân cư bị ngập lụt, nhiều ngôi nhà bị xóa sổ và có đến 22 người chết, 33 người bị thương. Trong đó khu dân cư tự phát thôn Thành Đạt, Thành Phát ở xã Phước Đồng đã hơn 10 người chết.

Theo ông Bùi Cao Pháp, Phó chủ tịch UBND xã Phước Đồng, các hộ dân tại thôn Thành Đạt và Thành Phát hầu hết trong khu vực xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp hoặc khu vực dự án.

Người dân các khu vực này đa số là lao động tự do, làm biển có mức thu nhập trung bình trở xuống. Nhiều hộ dân trong đó đã được tái định cư khi giải tỏa ở tại các dự án ven biển nhưng đã bán suất tái định cư của mình rồi lên khu vực núi ở thôn Thành Phát, Thành Đạt xã Phước Đồng tự ý xây dựng, sinh sống.

Khánh Hòa khó di dời người dân vùng sạt lỡ - Ảnh 2.

Chính quyền muốn di dời người dân thôn Thành Phát để tránh nguy cơ sạt lỡ nhưng vẫn chưa chốt phương án cụ thể. (Ảnh: Khải An)

Ông Lê Văn Sửu – một người dân thôn Thành Phát cho biết, từ sau trận mưa lũ cuốn trôi nhà, các mạnh thường quân có giúp đỡ người dân nơi đây nhưng nhiều tháng qua, chúng tôi đi ở trọ nên không còn đồng nào, giờ buộc phải dựng tạm lại căn nhà để ở.

"Chính quyền có đến khuyên can không xây dựng trên nền cũ nhưng không đưa ra phương án để chúng tôi di dời cũng như không có hỗ trợ nào nên chúng tôi phải dựng cái nhà để ở. Nếu trời mưa là chúng tôi đi ngay và sẽ lên ủy ban xã tá túc vì biết ở đâu giờ", ông Sửu nói.

UBND TP Nha Trang nhận định, khu vực sạt lở hầu hết nằm ở các triền núi, qui hoạch là đất rừng và đồi núi không phù hợp qui hoạch xây dựng nhà ở; các hộ dân lấn chiếm, san lấp và xây dựng nhà ở trái phép qua nhiều thời làm thay đổi địa hình địa mạo, thay đổi dòng chảy tự nhiên nên khi có mưa lớn gây sạt lở.

Một số dự án đầu tư các khu đô thị, khu nhà ở biệt thự sinh thái đang triển khai ven sườn đồi nhưng chưa đầu tư hệ thống mương thoát lũ gây mất an toàn cho khu dân cư.

Chưa chốt phương án

Hiện nay, UBND TP Nha Trang tiếp tục đề xuất 2 phương án di dời: Phương án 1, xây dựng chung cư cho thuê với giá ưu đãi tại khu đất có diện tích 25.080m2, diện tích mỗi căn hộ 40m2.

Phương án 2, thực hiện dự án trồng rừng cảnh quan - công viên và di dời dân, bố trí giao đất tái định cư (các hộ đủ điều kiện) hoặc giao đất theo giá thị trường, diện tích các lô từ 50 đến 55m2, dự kiến thực hiện tại Khu tái định cư Phước Hạ.

Khánh Hòa khó di dời người dân vùng sạt lỡ - Ảnh 3.

Người dân mong muốn được tái định cư khu vực gần biển để tiến mưu sinh bằng nghề biển. (Ảnh: Khải An)

Cả 2 phương án đều bố trí quĩ đất tại Khu tái định cư Phước Hạ (xã Phước Đồng). Theo tính toán, phương án 1 cần tổng vốn đầu tư gần 476 tỉ đồng; phương án 2, tổng mức đầu tư hơn 123 tỉ đồng, thành phố cần quĩ đất tái định cư hơn 13ha.

Theo đánh giá của lãnh đạo các phường thì phương án 1 có ưu điểm tiết kiệm quĩ đất nhưng nhược điểm mức đầu tư lớn; hầu hết các hộ không thống nhất, việc quản chung cư cũng rất khó khăn.

Phương án 2 phù hợp hầu hết nguyện vọng của người dân. Sau khi di dời dân, tại các khu vực này sẽ tiến hành trồng rừng cảnh quan (khu vực triền núi) và công viên cây xanh. Tuy nhiên, phương án này cần quĩ đất tái định cư rất lớn.

Lãnh đạo UBND TP Nha Trang cho rằng, phương án xây dựng nhà chung cư khó khả thi bởi tổng mức đầu tư lớn và không phù hợp nguyện vọng của người dân.

Vì vậy, nên đề xuất chọn phương án 2, lập dự án tạo cảnh quan cây xanh và tăng cường công tác quản đất đai; bố trí tái định cư, giao đất có thu tiền sử dụng đất nhưng cho người dân nợ, nghiên cứu cơ chế giao đất nhưng hạn chế quyền sử dụng đất để ngăn ngừa chuyển dịch. Hiện nay, các phương án này vẫn đang được cơ quan chức năng nghiên cứu.

Theo UBND TP Nha Trang, phương án kết hợp giữa hình thức Xây dựng Chung cư căn hộ cho thuê và Bố trí giao đất TĐC để xây dựng nhà ở - Phân loại đối tượng theo thời gian xây dựng nhà ở với tổng kinh phí đầu tư có tổng mức đầu tư khoảng 228 tỉ đồng.

Với mức kinh phí lựa chọn có thể phân kì đầu tư trong 05 năm từ 2021-2025 và tiết kiệm được quĩ đất tái định cư là 203 lô để dành bố trí tái định cư cho các dự án phát triển trên địa bàn thành phố.

Đối với việc đầu tư căn hộ cho thuê có thể kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách xây dựng chung cư nhà ở xã hội cao tầng để kinh doanh và bố trí quĩ nhà ở xã hội đảm bảo phục vụ cho phương án di dời.

Khải An