|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khánh Hòa: Rà soát các dự án thủy điện có chuyển mục đích sử dụng rừng

10:02 | 28/11/2020
Chia sẻ
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản chỉ đạo rà soát, kiểm tra, đánh giá các dự án thủy điện có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trước ngày 4/12.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh có 8 dự án thủy điện vừa và nhỏ (Ea Krong Rou, Sông Giang 2, Sông Giang 1, Sông Chò 2, Sông Cái, Hoa Sơn, Sông Trang, Khánh Thượng) được Bộ Công Thương phê duyệt qui hoạch với tổng công suất lắp máy là 113MW. Các dự án không có hồ, đập liên quan nằm trên địa bàn tỉnh khác.

Trong số 8 dự án, có 3 dự án đang vận hành phát điện gồm: Nhà máy thủy điện Ea Krong Rou (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa), công suất 28MW do CTCP Đầu tư Miền Trung làm chủ đầu tư.

Khánh Hòa: Rà soát các dự án thủy điện có chuyển mục đích sử dụng rừng - Ảnh 1.

Khánh Hòa rà soát các dự án thủy điện có chuyển mục đích sử dụng rừng. (Ảnh: Khải An)

Nhà máy thủy điện sông Giang (xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh), công suất 37MW do CTCP Khai thác thủy điện Sông Giang làm chủ đầu tư và Nhà máy thủy điện Sông Chò 2 (xã Khánh Hiệp, Khánh Vĩnh), công suất 7MW do CTCP Thủy điện Sông Chò làm chủ đầu tư.

Ngoài ra, hiện nay, CTCP Khai thác thủy điện Sông Giang đang đầu tư xây dựng dự án Nhà máy thủy điện Sông Giang 1, công suất 12MW tại xã Khánh Trung, Khánh Vĩnh.

Mới đây, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) chủ trì phối hợp với các sở Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan triển khai nội dung chỉ đạo của Bộ NN-PTNT và Tổng cục Lâm nghiệp về việc rà soát, kiểm tra, đánh giá các dự án thủy điện có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; báo cáo kết quả cho bộ và UBND tỉnh trước ngày 4/12.

Theo văn bản của Bộ NN - PTNT, thời gian qua, mưa lũ ở các tỉnh miền Trung đã gây sạt lở đất nghiêm trọng ở một số địa phương. Qua đó, dư luận xã hội quan tâm nhiều về vấn đề chuyển mục đích sử dụng rừng để làm các dự án thủy điện.

Để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là rừng tự nhiên sang thực hiện các dự án thủy điện, bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng các dự án thủy điện tại địa phương có chuyển mục đích sử dụng rừng (từ thời điểm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 có hiệu lực).

Khánh Hòa: Rà soát các dự án thủy điện có chuyển mục đích sử dụng rừng - Ảnh 2.

UBND tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi thỏa thuận đầu tư, đưa 4 dự án ra khỏi qui hoạch thủy điện vừa và nhỏ toàn quốc. (Ảnh: Khải An).

Đồng thời, giám sát chặt chẽ và kiên quyết tạm dừng việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích xây dựng các dự án thủy điện đối với các dự án chưa bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về lâm nghiệp và pháp luật có liên quan, các dự án có sử dụng nhiều diện tích rừng, nhất là rừng tự nhiên, tác động xấu đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến đời sống người dân...

Trước đó, UBND tỉnh này đã thống nhất với đề xuất của Sở Công Thương, không phát triển thêm các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn.

Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi thỏa thuận đầu tư, đưa 4 dự án ra khỏi qui hoạch thủy điện vừa và nhỏ toàn quốc gồm Sông Trang (công suất 5W), Khánh Thượng (công suất 18MW), Sông Cái (công suất 2MW), Hoa Sơn (công suất 4W) với lí do hiệu quả kinh tế thấp, diện tích rừng bị ảnh hưởng nhiều, chậm triển khai và chưa có nhà đầu tư đăng kí.

Thời gian qua nhiều nhà đầu tư đã đề nghị được khảo sát đầu tư các dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn Khánh Hòa nhưng UBND tỉnh này đã đều từ chối do tác động đến môi trường quá lớn.

Cụ thể, tháng 9/2019, CTCP Đầu tư VSD (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) có công văn về việc xin chủ trương đầu tư dự án và bổ sung qui hoạch dự án thủy điện tại Khánh Vĩnh.

Cùng thời điểm này, CTCP Đầu tư Châu Á Thống Nhất cũng có công văn xin chủ trương khảo sát, đầu tư xây dựng thủy điện Sơn Thái (xã Suối Tân, huyện Cam Lâm). Nhưng cả hai dự án này đều không được UBND tỉnh đồng ý.

Khải An

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.