|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chủ tịch tỉnh Quảng Nam chỉ đạo thu hồi quyết định giao đất, xây dựng thủy điện Đắk Di 2

14:17 | 26/11/2020
Chia sẻ
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo phải thu hồi để chờ rà soát, tổng hợp báo cáo Thường vụ cho ý kiến chung, sau đó mới xem xét về việc cho CTCP Tư vấn và Phát triển điện Cửu Long thuê đất để xây dựng Nhà máy thủy điện Đắk Di 2 tại xã Trà Don và xã Trà Nam, huyện Nam Trà My (đợt 2).

Như tin đã đưa trước đó, ngày 20/11, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kí quyết định về việc cho CTCP Tư vấn và Phát triển điện Cửu Long thuê đất để xây dựng Nhà máy thủy điện Đắk Di 2 tại xã Trà Don và xã Trà Nam, huyện Nam Trà My.

Theo quyết định, Quảng Nam đồng ý cho CTCP Tư vấn và Phát triển điện Cửu Long thuê 31.524,2 m 2 đất (gồm 10.609,8 m 2 tại xã Trà Don và 20.914,4 m 2 tại xã Trà Nam đã được UBND huyện Nam Trà My thu hồi) để đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện Đắk Di 2.

Diện tích hạng mục xây dựng nhà máy là 2.770,4 m2; diện tích hạng mục xây dựng đập và lòng hồ: 20.914,4 m2; diện tích hạng mục thi công đường công vụ và tháp điều áp: 7.839,4 m2.

Thuê đất theo hình thức nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm. Thời hạn thuê đất đến ngày 28/8/2059. Chủ đầu tư nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa vào ngân sách nhà nước theo qui định với số tiền là gần 22 triệu đồng.

Thủy điện Đắk Di 2 có công suất lắp máy 12 MW, sản lượng điện hằng năm đạt hơn 50 triệu KWh, tổng vốn đầu tư hơn 252 tỉ đồng.

Liên quan tới quyết định trên, báo Pháp luật Việt Nam ngày 26/11 đưa tin, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, ngày 11/11, ông đã chỉ đạo rà soát các thuỷ điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh để báo cáo Thường vụ cho ý kiến (Thông báo số 417), nhưng Sở TN&MT chưa nắm rõ chỉ đạo này và tham mưu kí cho thuỷ điện Đắk Di 2 thuê đất là chưa phù hợp. Vì vậy, ông đã chỉ đạo phải thu hồi để chờ rà soát, tổng hợp báo cáo Thường vụ cho ý kiến chung, sau đó mới xem xét.

Trả lời trên báo Vietnamnet ngày 15/11, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, trong hơn 5 năm qua, Quảng Nam không cấp phép xây dựng cho thêm thủy điện nào, ngoài 46 thủy điện đã được phê duyệt.

Mục tiêu phấn đấu của tỉnh là đến năm 2025, định hướng 2030 Quảng Nam sẽ là một tỉnh phát triển khá của cả nước. Đây là yêu cầu của Bộ Chính trị và là quyết tâm lớn của Đảng bộ tỉnh.

Tinh thần chủ đạo là lấy phát triển kinh tế bền vững làm xuyên suốt trong quá trình phát triển. Bền vững ở đây là nói đến ba trụ cột gồm: Kinh tế, xã hội và môi trường.

Ba trụ cột này phải hòa quyện với nhau, lấy kinh tế làm chủ đạo nhưng phải đồng thời bảo vệ các trụ cột khác. Xã hội phải giảm thiểu tác động xấu để người dân, mọi cộng đồng được hưởng lợi từ sự phát triển.

"Quan điểm là phát triển bao trùm không để ai lại phía sau, cân đối các vùng miền, giảm thiểu sự chênh lệch. Chúng tôi sẽ không đánh đổi môi trường để xây dựng thêm thủy điện vừa và nhỏ", ông Bửu nói.

Tỉnh Quảng Nam có 46 dự thủy điện đã được phê duyệt, với tổng công suất hơn 1.808 MW. Trong đó, 10 dự án thủy điện bậc thang với tổng công suất 1.205 MW và 36 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất hơn 603 MW.

Đến nay, đã có 22 dự án thủy điện đã đưa vào vận hành với tổng công suất hơn 1.273 MW.

Chu Lai