|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khăn lụa 'đểu' Khaisilk đã 'qua mặt' quản lý thị trường thế nào?

17:03 | 14/12/2017
Chia sẻ
Kết luận của đoàn kiểm tra Bộ Công Thương cho thấy, Cty TNHH Khải Đức của ông Hoàng Khải đã có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự đối với tội buôn bán hàng giả về chất lượng. Tuy nhiên, vấn đề dư luận quan tâm là vì sao những chiếc khăn 'lụa không có lụa' kia lại có thể 'qua mặt' các cơ quan chức năng như quản lý thị trường?
khan lua deu khaisilk da qua mat quan ly thi truong the nao Khaisilk bị đề nghị truy cứu: Cần giải tiếng oan, sự mất mát bao năm cho lụa Việt
khan lua deu khaisilk da qua mat quan ly thi truong the nao Lụa Khaisilk 'biến mất' hoàn toàn tại 113 Hàng Gai
khan lua deu khaisilk da qua mat quan ly thi truong the nao Khăn lụa Khaisilk không có... lụa, đề nghị điều tra dấu hiệu hình sự

Ngày 13/12, trao đổi với với Tiền Phong, ông Nguyễn Đắc Lộc, Chi cục phó Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho biết, đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Công thương vừa qua đã kiểm tra toàn bộ hoạt động của Cty TNHH Khải Đức do ông Hoàng Khải lãnh đạo. Theo ông Lộc, chủ yếu công ty này hoạt động trong khu vực TP.HCM và kết quả kiểm tra cụ thể ông Lộc chưa nắm được.

khan lua deu khaisilk da qua mat quan ly thi truong the nao
Ảnh minh họa

Vậy trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường Hà Nội, đặc biệt là cán bộ phụ trách địa bàn phường Hàng Gai, nơi có cửa hàng Khaisilk ở 113 Hàng Gai ra sao? Theo ông Lộc, cán bộ phụ trách địa bàn này đã bị hạ một bậc thi đua, nghiêm khắc kiểm điểm và tiếp tục phụ trách địa bàn để... làm tốt hơn. “Cửa hàng người ta treo biển Hàng Việt Nam chất lượng cao. Phải có quá trình thực tiễn, trinh sát, điều tra mới phát hiện ra được. Tuyệt đối không có sự phân biệt thương hiệu lớn, bé mà trinh sát phát hiện thì điều tra”, ông Lộc cho hay.

Trước đó, trả lời phỏng vấn Tiền Phong, ông Lộc cho hay: Cửa hàng 113 hàng Gai là nơi kinh doanh hộ cá thể. Hằng năm, cửa hàng này cũng như hơn 1.000 cửa hàng kinh doanh vải khác ở phường đều phải ký cam kết không buôn bán, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái. Gần nhất là cam kết ký tháng 9/2016. Quản lý thị trường đã rất vất vả đấu tranh để thu được 56 chiếc khăn Trung Quốc ở cửa hàng này bởi họ cất giấu rất kỹ. Hơn nữa, họ đã tháo mác “Made in China”, khâu mác Việt Nam vào. Nhờ kiểm tra kỹ lưỡng vết khâu, lực lượng QLTT mới phát hiện ra dấu hiệu làm giả, đấu tranh khai thác rồi nhân viên cửa hàng mới thừa nhận sai và ký vào biên bản, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra.

“Qua sự việc này, dư luận đánh giá rất cao trách nhiệm, ý thức bảo vệ người tiêu dùng của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Phải chăng, đã đến lúc Bộ Công thương phải tổng kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt. Đồng thời sớm lập lại trật tự quản lý nhà nước về các nguyên liệu đầu vào, tránh tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó”. Trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường cũng phải được làm rõ, xử lý nghiêm nếu có sai phạm”, một cán bộ Cục Quản lý Thị trường, Bộ Công thương bày tỏ.

Cũng liên quan đến việc quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu của Cty TNHH Khải Đức, Tổng cục Hải quan cho rằng: Theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa thì: Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 và các khoản 3, 4 Điều 8 của Nghị định này khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.

“Khi làm thủ tục hải quan đối với lô hàng thuộc diện phải kiểm tra thực tế, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra đối chiếu giữa thực tế hàng hóa với nội dung khai hải quan; doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về việc ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu, trường hợp nhãn gốc hàng hóa nhập khẩu không phù hợp với quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP thì người khai hải quan phải thực hiện việc ghi nhãn phụ trước khi đưa hàng hóa ra lưu thông”, Tổng cục Hải quan cho biết.

Đối với các lô hàng nhập khẩu của Khaisilk, Tổng cục Hải quan đã cử cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn 2006 - 2009, công ty có nhập khẩu các sản phẩm thời trang từ Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, giai đoạn từ 2009 đến ngày 15/10/2017, công ty không còn thực hiện các hoạt động nhập khẩu các mặt hàng thời trang.

Từ năm 2012 đến nay, công ty cũng không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước. Công ty chủ yếu mua các thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng hóa “Khaisilk®”, “Khaisilk cách điệu” và “Khaisilk Made in Vietnam” để kinh doanh trên thị trường.

Trước đó, Tổng cục Hải quan đã thống kê số liệu nhập khẩu lụa tơ tằm và khăn lụa tơ tằm có xuất xứ Trung Quốc giai đoạn 2015 đến nay. Theo đó, năm 2015, Việt Nam đã nhập 3.763 chiếc khăn lụa từ Trung Quốc. Con số này năm 2016 là 577 chiếc. 9 tháng đầu năm nay, số khăn lụa nhập khẩu tăng vọt, với 4.460 chiếc, giá trị khoảng 5.787 USD.

Trung bình một chiếc khăn nhập khẩu về Việt Nam trong 9 tháng qua ở mức 1,3 USD/chiếc (khoảng 28.000 đồng/chiếc). Trong khi đó, những chiếc khăn được Khaisilk bóc mác, dán nhãn 'Made in Vietnam' đều bán với giá không dưới nửa triệu đồng.

Theo Tổng cục Hải quan, việc nhập khẩu sản phẩm lụa và khăn lụa được thực hiện qua nhiều cửa khẩu. Trong năm 2015, giá trị nhập qua sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) là 1,8 triệu USD, qua cảng Hải Phòng khoảng 1,1 triệu USD, cảng Cát Lái (TP.HCM) khoảng 500.000 USD và sân bay Nội Bài (Hà Nội) là 255.000 USD.

Hiện nay, kết quả kiểm tra đã được chuyển sang cơ quan điều tra Bộ Công an để tiếp tục xử lý theo quy định.

Tuấn Nguyễn