Khách sạn Kim Liên của 'bầu' Thụy trình cổ đông phương án đầu tư khu phức hợp gần 14.300 tỉ đồng
Đại hội đồng cổ đông bất thường CTCP Du lịch Kim Liên (chủ sở hữu khách sạn Kim Liên) vừa tổ chức đã thông qua phương án tăng vốn từ 69,6 tỉ đồng lên 2.786 tỉ đồng, tức gấp gần 40 lần.
Kế hoạch tăng vốn nhằm giúp cho công ty này đủ điều kiện tỉ lệ vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư khi thực hiện dự án Kim Liên, theo qui định của Luật Đất đai. Vốn chủ sở hữu của Du lịch Kim Liên tại thời điểm kết thúc tháng 6/2019 là hơn 71 tỉ đồng.
Trong thông tin gửi đến các cổ đông tại đại hội, Du lịch Kim Liên trích dẫn kết quả nghiên cứu, tư vấn của Công ty TNHH Savills Việt Nam cho rằng, tổng chi phí cho việc thực hiện dự án Kim Liên vào khoảng 616 triệu USD, tương đương gần 14.300 tỉ đồng. Đây là con số khiến các cổ đông lớn của Du lịch Kim Liên phải đặt không ít câu hỏi.
Đại diện cổ đông Công ty Tài chính Bưu điện và cổ đông Ngân hàng GPBank đều cho rằng các thông tin về dự án Khu phức hợp Kim Liên gồm qui mô, tổng mức đầu tư, kế hoạch tiến độ... chưa được trình đến ĐHĐCĐ và không rõ ràng, cụ thể. Phương án tăng vốn dựa trên khảo sát của đơn vị tư vấn Savills là không có căn cứ để cổ đông xem xét, biểu quyết.
Phản hồi vấn đề này, ông Vũ Ngọc Định - Tổng giám đốc cho biết: Dự án Khu phức hợp Kim Liên hiện đã được Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội ra văn bản kết luận chỉ tiêu qui hoạch xây dựng. Theo đó, dự án dự kiến xây dựng 8 block, gồm có các trung tâm thương mại, dịch vụ và shophouse…
Ông Định cho rằng lợi thế của dự án là tọa lạc trên khu đất rộng và vị trí đắc địa của TP Hà Nội. Phía công ty đã mời đơn vị nước ngoài khảo sát và tư vấn. Công ty cũng đã kí kết một số hợp đồng với đối tác như Tân Hoàng Minh, nhà thầu Delta để triển khai thực hiện dự án. HĐQT công ty đã họp nhiều lần trước khi trình vấn đề lên ĐHĐCĐ, nội dung cụ thể sẽ được trình đến các cổ đông vào ĐHĐCĐ thường niên 2020.
Những giải trình của Tổng giám đốc về dự án Kim Liên chưa đủ để có thể thuyết phục 17,5% cổ đông tán thành, nhóm này phủ quyết toàn bộ nội dung liên quan đến tăng vốn, sửa đổi điều lệ và ủy quyền HĐQT mời gọi nhà đầu tư chiến lược, lựa chọn nhà thầu dự án. Tuy vậy, nghị quyết vẫn được thông qua với tỉ lệ tán thành hơn 82%.
Bên cạnh thông tin trên, ĐHĐCĐ bất thường của Du lịch Kim Liên cũng thông qua loạt vấn đề quan trọng khác như ủy quyền cho HĐQT quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị bằng 35% tổng tài sản được ghi trong BCTC gần nhất; ủy quyền cho HĐQT quyết định các giao dịch phát sinh doanh thu và chi phí với bên liên quan; miễn nhiệm hai thành viên HĐQT và bầu bổ sung hai người mới.
Ngay sau đại hội bất thường này, cổ đông Công ty Tài chính Bưu Điện thông báo bán toàn bộ 465.505 cổ phần đang sở hữu tại Du lịch Kim Liên, tương ứng 6,69% cổ phần nhưng không tìm được bên mua.
Năm 2015, CTCP Tập đoàn Thaigroup của ông Nguyễn Đức Thụy ("bầu" Thụy) rót hơn 1.000 tỉ đồng mua lại hơn 52% khách sạn Kim Liên từ đợt thoái vốn của SCIC. Bầu Thụy sau đó cũng trở thành Chủ tịch HĐQT của Du lịch Kim Liên, đơn vị điều hành khách sạn này.
Quãng thời gian sau đó dưới sự điều hành của bầu Thụy, kết quả kinh doanh của khách sạn Kim Liên biến động khá thất thường. Doanh thu năm 2017 tăng 12% đạt 143 tỉ đồng, trước khi sụt giảm 31% vào năm 2018 chỉ còn 99 tỉ đồng. Lợi nhuận ròng mỗi năm của khách sạn này khoảng 9 tỉ đồng, tương đối ổn định.