Khách hàng bất ngờ nhận hóa đơn điện tăng hơn 4 lần, EVN Hà Nội nói gì?
Phản ánh tới Dân trí, anh Lê Phong (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết hoá đơn tiền điện tháng 6 của gia đình anh tăng đột biến, gấp 4,5 lần, dù vẫn đang trong thời gian được “hỗ trợ vì Covid-19”.
Nếu trong tháng 4 và tháng 5, số tiền anh Phong thanh toán là khoảng 1 triệu đồng thì sang tới tháng 6, con số này vọt lên 4,5 triệu đồng với 1.526kWh.
“Mức sử dụng điện không tăng đột biến, nhà tôi cũng không gia tăng thêm các thiết bị điện. Nhận được hóa đơn tháng 6, tôi thực sự bất ngờ”, anh Phong cho biết hiện đang sống một mình.
Tương tự, anh Thành (Cầu Giấy) cũng phản ánh về việc hóa đơn tăng gấp gần 5 lần. Nếu số tiền thanh toán tháng 4 chưa đến 1 triệu đồng thì con số phải trả cho tiền điện tháng 5 là hơn 5 triệu đồng.
Hầu hết các trường hợp có phản ánh, thắc mắc đều cho biết mức sử dụng không nhiều đột biến so với tháng trước.
Thậm chí, có trường hợp còn cho biết hoá đơn tháng 6 cao gấp đôi so với tháng 3,4 - thời điểm các thành viên gia đình đều ở nhà vì cách ly xã hội do Covid-19.
Trên trang cá nhân của mình, anh N - một khách hàng EVN Hà Nội bức xúc vì hóa đơn phải trả trong tháng 6 cao gần gấp đôi so với tháng 3,4 - trong khi thời điểm thực hiện cách ly xã hội anh cho rằng đây là thời gian dùng “kỷ lục" của gia đình mình. Thậm chí thời điểm tháng 6, anh này cho biết còn đi công tác rất nhiều ngày.
Trước những hàng loạt thắc mắc ghi nhận từ phía người dân, Dân trí đã liên hệ với đại diện phía Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hà Nội (EVN Hà Nội) để làm rõ.
Trao đổi với Dân trí, đại diện EVN Hà Nội cho biết, vào mỗi đợt nắng nóng, bên cạnh áp lực về công tác vận hành đảm bảo cung cấp điện, công ty cũng gặp một số thắc mắc của khách hàng về vấn đề này.
“Theo quy luật thời tiết hàng năm, tháng 5 và 6 là thời điểm khu vực miền Bắc mà đặc biệt là thủ đô Hà Nội bước vào cao điểm mùa hè, bắt đầu có nhiều đợt nắng nóng kéo dài khiến lượng điện tiêu thụ trên địa bàn Thành phố tăng cao đột biến”, vị này cho biết.
Lượng điện tiêu thụ cao kỷ lục
Cũng theo lý giải từ EVN Hà Nội, trong tháng 5 năm 2020, Hà Nội chỉ hứng chịu 1 đợt nắng nóng duy nhất trong 2 ngày (vào ngày 20 và 21/5/2020) mà lượng điện tiêu thụ trung bình lên mức 62,6 triệu kWh/ngày, tăng 45% so với tháng 4 (42,99 triệu kWh/ngày).
“Từ đầu tháng 6 đến nay, Hà Nội liên tiếp hứng chịu nắng nóng gay gắt kéo dài với nền nhiệt duy trì ở mức trên 39 độ C. Thế nhưng với hiệu ứng nhà kính và các khối bê tông, tòa nhà cao tầng đã khiến mức nhiệt trong ngày tại Hà Nội có nơi lên đến gần 60 độ C.
Nắng nóng gay gắt kéo dài liên tục đã khiến lượng tiêu thụ điện tại Hà Nội ngày 9/6/2020 đã đạt tới mức 89,209 triệu kWh", EVN Hà Nội cho biết, đây là lượng điện tiêu thụ cao kỷ lục từ trước đến nay.
Nếu so sánh lượng điện tiêu thụ của các tháng trước đó, EVN Hà Nội cho biết sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn thủ đô trong tháng 6 đã tăng rất cao. Cụ thể, tính đến ngày 12/6/2020, lượng điện tiêu thụ trung bình ngày là 80,082 triệu kWh, tăng 28% so với tháng 5 và 86% so với tháng 4.
Như vậy theo đại diện phía EVN Hà Nội, kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6/2020 bao gồm cả những ngày nắng nóng gay gắt của tháng 5 và đợt nắng nóng kéo dài đầu tháng 6 (từ 01/6 đến 12/6/2020).
Riêng với trường hợp khách hàng như Dân trí đề cập trên, EVN Hà Nội cho biết cũng đã tiếp nhận phản ánh của anh này về tình trạng hoá đơn tăng gấp đôi so với tháng 3,4, mặc dù tháng này đi công tác rất nhiều ngày.
Ngay sau khi nhận được phản ánh, EVN Hà Nội đã chỉ đạo Công ty Điện lực Hoàn Kiếm liên lạc với khách hàng và thống nhất với khách hàng mang công tơ đi kiểm định. Sau khi có kết quả kiểm định, phía điện lực sẽ thông báo tới khách hàng.
Về biểu giá bán lẻ điện, đại diện EVN Hà Nội khẳng định thực hiện theo quy định của Nhà nước và Bộ Công thương.
Đại diện EVN Hà Nội cũng cho biết sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến phản ánh của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện qua tổng đài Chăm sóc khách hàng của EVNHANOI là 19001288 (phục vụ 24/7).
Trong khi đó, tại thời điểm nắng nóng gay gắt, các chuyên gia khuyến cáo, khi sử dụng điều hoà, để tiết kiệm điện, người dùng cần để mức nhiệt độ tốt nhất là từ 26 đến 28 độ C. Việc để nhiệt độ thấp không khiến điều hòa làm lạnh nhanh hơn mà chỉ khiến tốn điện, hại máy và không đảm bảo sức khỏe.