Khắc phục những tồn tại, khó khăn trong giám định tư pháp
Các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung dự án Luật nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế, không mở rộng sửa đổi sang các nội dung của luật đã có tính ổn định, bền vững.
Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Dự thảo Luật bổ sung Điều 41a quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện giám định tư pháp khi được trưng cầu và công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý.
Ở góc nhìn khác, có đại biểu cho rằng, giám định tư pháp là công việc khó, phức tạp, đụng chạm, xác định hành vi vi phạm pháp luật, xác định tội phạm nên thường có tâm lý né tránh, đùn đẩy giữa các cơ quan có chức năng giám định.
Báo cáo cho thấy từ năm 2013 đến năm 2018, trong lĩnh vực tài chính trưng cầu giám định có 241 vụ việc, nhưng vẫn còn tình trạng chậm, né tránh, đùn đẩy. Theo các đại biểu, nếu đề nghị Kiểm toán Nhà nước tham gia giám định trong lĩnh vực tư pháp, tài chính, sẽ có thêm một kênh để lựa chọn.
Dự thảo Luật bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh.
Có đại biểu cho rằng, đây là nội dung hoàn toàn mới, chưa được đặt ra trong quá trình tổng kết thi hành luật; hồ sơ dự án luật chưa báo cáo, đánh giá đầy đủ về vấn đề này. Vì vậy, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Quốc hội đã thông qua: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ với 88,41% đại biểu tán thành.
Luật quy định: Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/1/2020.
Quốc hội đã bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV bằng hình thức bỏ phiếu kín. Theo đó, với 89,64% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, ông Hoàng Thanh Tùng đã được Quốc hội bầu giữ chức Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV.
Tiếp đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV. Với 90,89% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV.
Quốc hội bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả kiểm phiếu cho thấy, với 91% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, ông Hoàng Thanh Tùng đã được Quốc hội bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khóa XIV.
Nghị quyết bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV đã được Quốc hội thông qua với 89,03% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.