|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Kết quả kinh doanh của Meta vượt kỳ vọng của Phố Wall

20:00 | 27/07/2023
Chia sẻ
Tập đoàn Meta Platforms – công ty mẹ của mạng xã hội Facebook báo cáo doanh thu quảng cáo quý II/2023 tăng mạnh vượt mức kỳ vọng của Phố Wall, đồng thời đưa ra dự báo doanh thu quý ba cao hơn kỳ vọng của thị trường.

Theo báo cáo, doanh thu trong quý II/2023 của Meta đạt 32 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn so với ước tính trước đó của giới tài chính Phố Wall là 31,12 tỷ USD. Lợi nhuận trong cùng giai đoạn tăng 16% lên mức 7,8 tỷ USD. Lượng người dùng hằng tháng trên mạng xã hội Facebook cũng tăng nhẹ và đạt 3,03 tỷ người.

Tập đoàn này cho biết trong quý II/2023, số lượng quảng cáo được hiển thị trên các nền tảng trực tuyến, như Facebook và Instagram, đã tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu từ quảng cáo của Meta trong quý kết thúc vào tháng Sáu đã tăng 12%, cao hơn cả Google. Đáng chú ý, báo cáo không nêu rõ mức tăng này có hay không bao gồm nguồn thu từ Threads, một nền tảng mạng xã hội có những đặc tính và chức năng gần giống với Twitter mà công ty mới ra mắt hồi đầu tháng Bảy. Đến nay, nền tảng này chưa mở tính năng quảng cáo.

Giám đốc điều hành (CEO) Meta, ông Mark Zuckerberg đánh giá hoạt động kinh doanh trong quý II của tập đoàn này là khá tốt với doanh thu tăng chủ yếu nhờ Reels, một tính năng tương tự TikTok cho phép người dùng tạo và chia sẻ video ngắn trên Facebook. Ngoài ra, môi trường kinh tế toàn cầu khởi sắc hơn cũng là yếu tố thúc đẩy chi tiêu cho hoạt động tiếp thị và quảng cáo trên thị trường.

Doanh thu tăng mang lại sự nhẹ nhõm cho công ty, khi Meta đang đầu tư lớn để nâng cấp trung tâm dữ liệu của mình và duy trì tính cạnh tranh trong cuộc chạy đua mới xung quanh công nghệ AI. Đồng thời, Meta lại tiếp tục đầu tư hơn 10 tỷ USD mỗi năm vào đặt cược dài hạn cho các sản phẩm phần cứng và phần mềm phục vụ vũ trụ ảo "metaverse".

Công ty cho biết họ dự kiến chi phí năm 2023 trong khoảng từ 88 - 91 tỷ USD,  tăng nhẹ so với dự báo trước đó là 86 tỷ đến 90 tỷ USD. với lý do "chi phí liên quan đến pháp lý". Chỉ riêng trong quý II, công ty đã phải chịu khoản chi phí pháp lý tới 1,87 tỷ USD, chủ yếu liên quan đến khoản phạt 1,2 tỷ euro (1,3 tỷ USD) của Ủy viên bảo vệ dữ liệu Ireland (Ai-len) hồi tháng Năm vì công ty đã chuyển thông tin người dùng nước này sang Mỹ.  

Sang năm 2024, Meta dự kiến "chi phí liên quan đến cơ sở hạ tầng” sẽ cao hơn, cũng như tăng chi phí tiền lương khi công ty phát triển thành phần lực lượng lao động thành các vai trò kỹ thuật có chi phí cao hơn.

“Gã khổng lồ” truyền thông xã hội đã phục hồi sau một năm 2022 đầy khó khăn, chủ yếu nhờ làn sóng hưởng ứng công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) và một số biện pháp “thắt lưng buộc bụng” chưa từng có tiền lệ của chính công ty - bao gồm sa thải khoảng 21.000 nhân viên kể từ tháng 11/2022 để giảm chi phí.

Kết quả là cổ phiếu của công ty đã tăng hơn gấp đôi giá trị tính từ đầu năm 2023 đến nay. Chỉ vài giờ sau khi báo cáo tài chính hằng quý được công bố, cổ phiếu của Meta tăng hơn 7% và giúp giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn này đạt 320,32 tỷ USD. Kết thúc phiên 26/7, cổ phiếu của Meta tăng 1,39% lên 298,57 USD/cổ phiếu.

Meta đã công bố phiên bản miễn phí của mô hình AI mã nguồn mở có tên Llama 2, một sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT của OpenAI và Bard của Google. Các mô hình ngôn ngữ lớn do OpenAI và Google phát triển đã thu hút sự chú ý của cả giới công nghệ lẫn người dùng phổ thông với khả năng bắt chước tính sáng tạo của con người.

Nhưng thay vì phát hành trực tiếp các sản phẩm AI tạo sinh cho công chúng, Meta đã phát triển Llama - một mô hình ngôn ngữ được phát triển riêng cho các nhà nghiên cứu. Phiên bản mới và mạnh mẽ hơn của Meta có tên Llama 2 sẽ được Microsoft phân phối thông qua dịch vụ đám mây Azure chạy trên hệ điều hành Windows.

Đáng chú ý, Llama là mô hình mã nguồn mở - có nghĩa là các nhà nghiên cứu, phát triển phần mềm có thể tiếp cận và điều chỉnh, sửa đổi các hoạt động bên trong của Llama. Điều này khác biệt so với các mô hình AI do OpenAI và Google phát triển.

ChatGPT, Bard hay GPT-4 thường là mã nguồn đóng và là sản phẩm thuộc sở hữu trí tuệ của riêng công ty. Khách hàng sử dụng các mô hình này không thể truy cập vào mã lập trình hoặc không nhận được câu trả lời cụ thể về cách những mô hình này xử lý dữ liệu của họ.

Ông Zuckerberg, cho biết mã nguồn mở giúp thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo công nghệ. Nó cho phép nhiều nhà phát triển xây dựng sản phẩm với công nghệ mới, đồng thời cải thiện tính an toàn và bảo mật vì các sự cố tiềm ẩn có thể được nhanh chóng phát hiệu và khắc phục.

Sự nhấn mạnh của Meta về vấn đề an toàn cũng cho thấy sự khác biệt của Llama so với các mô hình của OpenAI, vốn đã làm dấy lên những lo ngại khi chúng tạo ra các thông tin sai lệch hoặc đưa ra các tương tác không phù hợp.

H.Thủy