Kết nối doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường
Ngày 6/11, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến thương mại (XTTM) các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái đồng tổ chức “Chương trình kết nối giao thương giữa Nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại”.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, thị trường xuất khẩu gặp khó, thiếu hụt nguyên liệu... dẫn tới sụt giảm doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam khiến các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới.
Để nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo sát sao các đơn vị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Theo đó, trong 9 tháng vừa qua, Bộ Công Thương thông qua các cơ quan xúc tiến thương mại trong nước và hệ thống thương vụ Việt Nam trên toàn thế giới đã tổ chức nhiều hoạt động hội nghị giao thương trực tuyến với các đối tác xúc tiến thương mại quốc tế và tạo ra hàng ngàn kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà nhập khẩu nước ngoài tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tiềm năng.
“Các hoạt động kết nối giao thương trên đang và sẽ góp phần tháo gỡ một phần khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và ổn định kinh tế, thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu theo hướng bền vững trong bối cảnh đại dịch”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định.
Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang chủ động đẩy mạnh liên kết, khai thác tốt thị trường nội địa, tìm đầu ra cho sản phẩm, đảm bảo không làm đứt gãy chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ của các cơ quan chính phủ, địa phương trong việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trực tiếp giữa các địa phương, đưa hàng hóa Việt vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn, cũng như kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài.
Theo báo Công Thương, chia sẻ dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty T&T Group cho biết, vào tháng 7/2017, Công ty xuất khẩu lô dừa xiêm Bến Tre (18.000 trái) đầu tiên vào thị trường Mỹ.
Tháng sau, tăng lên 40.000 trái, dù trước đó nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu dừa tươi sang đây không cạnh tranh được với dừa Thái Lan đang bán trên đất Mỹ. Đến năm 2020 doanh nghiệp đã chia được 50% thị phần dừa tươi tại thị trường này với Thái Lan.
Tuy nhiên ông Tùng lưu ý, phải tìm hiểu rõ về nhu cầu mỗi thị trường, đối tượng cạnh tranh, đặc biệt là các rào cản kĩ thuật, càng nắm chắc càng bước chắc.
“Như thị trường Mỹ, yêu cầu phải có mã số vùng trồng, mã số đóng gói do phía Mỹ cấp, chứ không hẳn là các chứng chỉ như GlobalGAP hay VietGAP. Nhưng thị trường châu Âu lại yêu cầu phải có GlobalGAP, chứng chỉ môi trường, ISO hay HACCP…”, ông Tùng chỉ ra.
Hay với việc tồn dư chất cấm, có những chất ở Nhật Bản, Mỹ, Úc không cấm nhưng châu Âu lại cấm. Vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường trên phải hết sức chú ý, các hoạt động trồng trọt, chế biến, bảo quản, thu hoạch của các địa phương cũng phải bảo đảm tuân thủ các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm đạt chuẩn để xuất khẩu.
Thêm vào đó, hội nghị sẽ cung cấp thông tin, giải pháp giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Bà Hà Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đánh giá cao việc Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương chủ động tổ chức sự kiện này; đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp khó lường và các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất, tiếp cận mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, việc khó tiếp cận thị trường đầu ra đặc biệt là thị trường quốc tế, đó cũng là khó khăn chung của các doanh nghiệp ở tỉnh Tuyên Quang.
Đồng thời năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp của tỉnh càng gặp nhiều khó khăn cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa.
“Tỉnh Tuyên Quang mong muốn sẽ thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, để mở rộng liên kết, xúc tiến đầu tư, thương mại, thúc đẩy hoạt động giao thương giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Tỉnh Tuyên Quang cam kết có cơ chế và môi trường đầu tư thuận lợi, luôn mời gọi và tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo cầu nối phát triển thương mại, dịch vụ giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng trong và ngoài nước”, ông Hoàng Việt Phương nhấn mạnh.