|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kênh đào Kra: Giấc mộng 200 năm của Thái Lan vẫn chưa thành sự thật

16:39 | 12/06/2019
Chia sẻ
Dù đã được lên ý tưởng từ 200 năm trước, nhưng đến nay dự án kênh đào Kra, được xem là kênh đào Suez hoặc Panama của châu Á, vẫn trong tình trạng bế tắc.

Hiện tại, các tàu thuyền lưu thông từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương và ngược lại vẫn phải đi qua eo biển Malacca nằm giữa bán đảo Malaysia và đảo Sumatra (Indonesia). Eo biển này dài khoảng 1.000 km, bề ngang hẹp, chỗ hẹp nhất chưa tới 2,5 km với độ sâu khoảng 25 m.

Các tàu thuyền chở dầu và hàng hóa có trọng tải lớn khi đi qua đây gặp rất nhiều trở ngại nên thường phải chạy vòng xuống phía nam của đảo Sumatra để đi qua eo biển Lombock (nằm giữa các đảo Bali, Indonesia), rộng và sâu khoảng 250 m.

Không chỉ vậy, lượng tàu thuyền đi qua eo biển Malacca ngày càng gia tăng làm cho sự lưu thông ở đây bị đình trệ. Điều này khiến dự án kênh đào Kra nằm ở phía nam Thái Lan, vốn là chủ đề gây tranh cãi và nhạy cảm về mặt chính trị, trở nên đặc biệt quan trọng và được xem là kênh đào Suez hoặc Panama của châu Á.

Untitled

Nguồn: The Nation Multimedia.

Kênh đào Kra, dự án được lên ý tưởng từ 200 năm trước, theo The Diplomat, sẽ mang lại hai lợi ích quan trọng là thay thế cho eo biển Malacca - rút ngắn 1.200 km con đường hàng hải từ Địa Trung Hải qua kênh đào Suez tới Tây Thái Bình Dương, giảm 2 ngày đi qua eo biển Malacca; và thiết lập đặc khu kinh tế. 

Theo đó, dự án sẽ mang lại sức sống mới cho nền kinh tế Thái Lan và biến quốc gia Đông Nam Á thành trung tâm thương mại giữa Thái Bình Dương và Biển Ấn Độ Dương.

Đồng thời, khi kênh đào đi vào hoạt động sẽ tăng lượng thuyền và thương mại giữa các quốc gia Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, giúp giảm chi phí hậu cần cho mỗi quốc gia.

Dù đã được lên kế hoạch từ lâu nhưng mãi tới năm 2015, chính phủ Trung Quốc và Thái Lan mới kí biên bản ghi nhớ (MoU) để xây dựng kênh đào dài 163 km với giá trị lên tới 28 tỉ USD. Và vì nhiều lí do, nó đã bị trì hoãn và chỉ mới đây chính phủ Thái Lan mới có ý định xem xét lại dự án.

Thách thức vẫn lớn hơn lợi ích

Nguyên nhân khiến dự án chưa thể triển khai là bất đồng về ý kiến trong chính Thái Lan, vấn đề triển khai và ảnh hưởng từ các quốc gia khác.

Ông Thon Thamrongnawasawat, Phó chủ nhiệm khoa thủy sản tại trường Đại học Kasetsart, lo ngại về tác động đối với ngành du lịch và môi trường một khi kênh đào được đào như đề xuất.

Kênh đào Kra sẽ làm giảm sự quan tâm của khách du lịch đối với phía nam Thái Lan, khi kênh đào chạy qua các điểm du lịch lớn gồm Phuket và Krabi, theo The Thaiger. Ngành du lịch tạo ra khoảng 3 tỉ baht cho Thái Lan mỗi năm và được xếp thứ ba trên thế giới, theo báo cáo từ Tổ chức Du lịch Thế giới.

Ông Thon cảnh báo mối nguy hiểm đối với du lịch và môi trường, với dẫn chứng dầu tràn ra Vịnh Thái Lan và dạt vào bờ biển của Koh Samet và Map Ta Phut năm 2013.

Ngoài ra, vẫn chưa rõ liệu Thái Lan có được hưởng lợi từ việc tạo cơ hội việc làm cho khoảng 30.000 người Trung Quốc được thuê để phục vụ việc xây dựng kênh đào, theo South Asia Program.

Về lĩnh vực kĩ thuật, việc xây dựng kênh đào 28 tỉ USD đối mặt với nhiều thách thức như vấn đề đào đất chạy dài theo dãy núi đá granite Tenasserim của bán đảo Malay. Ngoài ra, kênh đào sẽ cần di chuyển gần 1,2 tỉ mét khối đất, gấp ba lần so với kênh đào Suez và Panama, theo đó làm tăng chi phí xây dựng.  

Về mặt địa chính trị, dự án Kra cũng nhận nhiều ý kiến phản đối từ các nền kinh tế hưởng lợi từ eo biển Malacca, gồm Singapore, Malaysia và Indonesia. Singapore, phụ thuộc lớn vào eo biển Malacca cho ngành tàu thuyền và cảng biển, có thể mất khoảng 30% lượng tàu lưu thông sau khi tuyến đường mới qua kênh đào Kra đi vào hoạt động.

Nhiều chuyên gia Thái Lan phản đối dự án vì nó chia rẽ 4 tỉnh phía nam với phần còn lại của đất nước, và làm giảm mối quan hệ với Malaysia, Singapore và Indonesia. 

Mặc dù vậy, đầu tháng 5, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Malaysia Datuk Kamarudin Jaffar cho biết ông không thấy dự án có tác động lớn tới các cảng biển của Malaysia và chính phủ Malaysia tôn trọng quyết định của Thái Lan nếu quốc gia này muốn triển khai dự án kênh đào.

Lyly Cao

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.