|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

KBSV dự báo biến động giá hàng hóa có sự phân hóa, lạm phát năm 2022 ở mức 3,8%

07:15 | 15/01/2022
Chia sẻ
Chứng khoán KB Việt Nam dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay đạt 6,3%, lạm phát vẫn được kiểm soát tốt ở mức 3,8%, biến động giá hàng hóa có sự phân hóa.

Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt mức 6,3%. 

Ba yếu tố hỗ trợ tăng trưởng bao gồm tiêu dùng nội địa và hoạt động sản xuất chế biến chế tạo hồi phục; xuất khẩu tiếp tục được hưởng lợi nhờ lộ trình tham gia các hiệp định FTAs, nhu cầu tiêu dùng thế giới phục hồi sau dịch bệnh và chi phí vận tải hạ nhiệt; dòng vốn FDI quay lại.

KBSV dự báo biến động giá hàng hóa có sự phân hóa, lạm phát năm 2022 ở mức 3,8% - Ảnh 1.

Đầu tư công tiếp tục được kỳ vọng là động lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo Báo cáo của Chính phủ số vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) dự kiến cân đối được trong năm 2022 là 526.100 tỷ đồng (tăng 10,2% so với kế hoạch năm 2021).

Chính phủ đặt mục tiêu tỷ lệ giải ngân thực tế/kế hoạch đạt trên 90%. KBSV kỳ vọng Chính phủ sẽ có các phương án đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công trong năm 2022 bởi thúc đẩy đầu tư công là phương án khả thi và nhanh nhất để hỗ trợ kinh tế sớm phục hồi.

Theo Tổng cục thống kê ước tính nếu đầu tư công tăng thêm 1% so với cùng kỳ năm ngoái thì GDP sẽ tăng thêm 0,058%.

Ngoài ra, các biện pháp cách ly xã hội được nới lỏng giúp tháo gỡ khó khăn trong việc đi lại, tiến độ triển khai các dự án tồn đọng được cải thiện.

KBSV dự báo biến động giá hàng hóa có sự phân hóa, lạm phát năm 2022 ở mức 3,8% - Ảnh 2.

KBSV cũng đề cập đến kỳ vọng xuất khẩu tiếp tục duy trì tăng trưởng cho năm 2022. Một trong những động lực là giá hàng hoá xuất khẩu, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam (sắt thép, nông lâm thuỷ sản, gạo…) đang có xu hướng tăng là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu. Ngoài ra còn các yếu tố như các nền kinh tế lớn mở cửa trở lại kéo theo sự gia tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ; các FTA được ký kết đang dần có hiệu lực.

Về triển vọng FDI, báo cáo cho biết với kịch bản cơ sở dịch bệnh được kiểm soát tốt, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài sẽ dần được khôi phục khi Việt Nam vẫn đang là điểm đến lý tưởng nhờ các yếu tố thuận lợi nhờ số lượng lớn các hiệp định FDA đã ký kết, vị trí địa lý lý tưởng, cơ cấu dân số trẻ, cùng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Nói đến rủi ro, KBSV nhận định tốc độ phục hồi tiêu dùng nội địa và sản xuất chậm hơn do đợt đợt dịch lần 4, có thể kìm hãm đà tăng mạnh của GDP năm 2022.

"Việc tiêu dùng phục hồi chậm sau làn sóng COVID-19 lần thứ 4 khiến chúng tôi thận trọng về tốc độ tiêu dùng phục hồi trong 2022. Bên cạnh đó, mức chi tiêu của người tiêu dùng tại Việt Nam sẽ không thể tăng mạnh mẽ như các nước phương Tây (Châu Phi, Châu Âu, và Mỹ - Latinh), bởi người dân Châu Á nói chung bao gồm cả người Việt Nam đều có thói quen chi tiêu thận trọng sau đại dịch", báo cáo nêu.

Ngoài ra, công ty cũng kỳ vọng ngành dịch vụ nhà hàng và du lịch sẽ phục hồi trở lại trong năm 2022 nhờ vào việc các đường bay nội địa và quốc tế đang được mở lại và du lịch nội địa hoạt động trở lại từ quý IV/2021.

Về lạm phát, mặc dù xuất hiện một số yếu tố rủi ro gây gia tăng áp lực lạm phát trong năm sau, nhưng KBSV cho rằng lạm phát của Việt Nam vẫn được kiểm soát tốt ở mức 3,8% cho cả năm 2022.

Biến động giá hàng hóa có sự phân hóa, đặc biệt nhóm năng lượng nghiêng nhiều về phía tăng và duy trì ở mức cao.

Anh Đào