|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

KBSV có dự báo thế nào về tăng trưởng tín dụng các ngân hàng năm 2023?

20:45 | 31/12/2022
Chia sẻ
Theo KBSV, Vietcombank sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong năm 2023 dưới áp lực từ việc tăng trưởng tín dụng toàn ngành phải chậm lại cùng áp lực chi phí vốn sẽ rõ ràng hơn, trong khi MB sẽ có tăng trưởng tín dụng vượt trội giai đoạn 2022-2024.

Báo cáo triển vọng năm 2023 của Chứng khoán KB (KBSV) đã có những dự báo về một số ngân hàng trong năm 2023.

Trong đó với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – Mã: VCB), các chuyên gia cho rằng ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong năm 2023 dưới áp lực từ việc tăng trưởng tín dụng toàn ngành phải chậm lại cùng áp lực chi phí vốn sẽ rõ ràng hơn trong giai đoạn quý IV/2022 – quý II/2023.

Ngoài ra khi các tín hiệu vĩ mô khả quan hơn, KBSV cho rằng Vietcombank sẽ thuộc nhóm được hưởng lợi trực tiếp.

Về tín dụng, chuyên gia nhận định ngân hàng sẽ được ưu tiên cấp room tín dụng ở mức cao cho năm 2023, nhờ chất lượng tài sản tốt, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở mức thấp, tham gia tiếp nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém và cung cấp các gói hỗ trợ theo yêu cầu của Chính Phủ.

Ngoài ra, năm 2023, Vietcombank sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch tăng vốn với việc chào bán riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ, tương đương vốn điều lệ sẽ tăng lên khoảng 50.400 tỷ đồng. Kế hoạch tăng vốn của Vietcombank đã có từ năm 2019 nhưng bị hoãn lại do tác động của dịch COVID-19.

 

Đối với một ngân hàng quốc doanh khác là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID), KBSV kì vọng BIDV có thể đẩy giải ngân tín dụng lên mức tăng trưởng cao hơn nhờ việc ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới room tín dụng thêm 2% nâng room cả năm lên 12,7%.

Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND có tín hiệu hạ nhiệt qua đó giảm áp lực lên lãi suất huy động cũng như cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận các khoản vay với chi phí hợp lý.

Tuy nhiên, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của ngân hàng nhiều khả năng sẽ bị thu hẹp trong năm 2023. Nguyên nhân là do ngân hàng chịu tác động của việc tăng lãi suất huy động và lợi suất đầu ra giảm do phải đưa ra các gói hỗ trợ kinh tế theo chỉ định của NHNN.

 

Còn tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – Mã: MBB), KBSV dự báo ngân hàng sẽ ghi nhận tăng trưởng tín dụng vượt trội cho giai đoạn 2022/2023/2024 lần lượt là 22,1%/23,1%/28,4% nhờ tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém cùng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) khoảng 12% và tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) vẫn còn dư địa để tăng tín dụng trong bối cảnh huy động chậm lại.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã: VPB) cũng được kỳ vọng sẽ được NHNN giao mức room cao hơn trung bình ngành cho năm 2023 nhờ tỷ lệ CAR hợp nhất cao nhất ngành (15%), tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém và luôn tích cực tham gia hỗ trợ nền kinh tế.

Trong năm 2022, VPBank đã có hai lần huy động thành công các khoản vay hợp vốn từ các tổ chức nước ngoài với giá trị lên tới 1,25 tỷ USD. Hiện VPBank chỉ đứng sau Techcombank về mức độ hoạt động trên thị trường vốn nước ngoài. Các khoản vay hợp vốn này là một sự bổ sung quan trọng trong bối cảnh huy động gặp khó khăn, mặt khác góp phần làm giảm chi phí vốn cho ngân hàng.

Cuối cùng, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank – Mã: STB), các chuyên gia KBSV nhận định Sacombank có thể đạt được tăng trưởng lợi nhuận cao hơn cho giai đoạn 2023 – 2025.

Nguyên nhân là do ngân hàng hoàn thành xử lý lãi phải thu giúp biên lãi thuần quay trở về mức hấp dẫn hơn, đồng thời kỳ vọng có thể tất toán trái phiếu VAMC trong năm 2023 góp phần giảm mạnh cho phí dự phòng. Ngoài ra, Sacombank sẽ có các khoản hoàn nhập dự phòng nếu đấu giá thành công tài sản.

Bên cạnh đó, Sacombank có đầy đủ lợi thế để có thể tiếp tục mở rộng CASA trong thời gian tới nhờ đã xây dựng hệ thống thanh toán quốc tế, tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng liên kết cùng các chương trình khuyến mãi nhằm kích thích các hoạt động thanh toán, tiêu dùng.

 

Huyen Vi

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.