Iran tính tranh thị phần để trở thành nước xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới
Iran có thể cạnh tranh thị phần xuất khẩu khí đốt với Qatar? (Ảnh: Reuters) |
Ngày 16/4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố chính phủ nước này vừa đầu tư 20 tỷ USD để triển khai 6 dự án mới tại mỏ South Pars, tương đương với giai đoạn khai thác thứ 17 đến 21, trong đó, giai đoạn khai thác thứ 19 được chia làm hai phần.
Bloomberg trích lời của Bộ trưởng Dầu mỏ Bijan Namdar Zanganeh cho biết, mỗi giai đoạn khai thác này sẽ sản xuất được 28 triệu m3 khí/ngày.
Với quyết định triển khai 6 dự án khai thác mới này, chính phủ Iran tham vọng giành thị phần xuất khẩu khí đốt với Qatar cũng như thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Hiện tại, Iran là nước có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới, với công suất khai thác đạt 570 triệu m3/ngày, gần ngang với Qatar vốn là nước xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, rất khó để Iran có thể cạnh tranh với Qatar, bởi phần lớn sản lượng khí đốt mà Iran khai thác được đều được tiêu thụ trong nước. Trong đó, một nửa sản lượng khí đốt được dùng cho các nhà kính và phần còn lại được dùng để sản xuất điện và ngành công nghiệp.
Theo Bloomberg, Iran vẫn khó có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nội địa với 6 dự án khai thác mới này. Tập đoàn dầu khí BP Global cho biết, tiêu thụ khí đốt của Iran tăng gần như gấp đôi lên 191,2 triệu m3 trong năm 2015 so với năm 2005.
Hơn nữa, chính phủ Qatar hồi đầu tháng 4 đã tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm khai thác khí đốt tại mỏ North Field trong vòng 12 năm. Sau quyết định này, sản lượng khí đốt của Qatar chắc chắn sẽ còn tăng mạnh hơn.
Ngoài 6 dự án mới này, Iran cũng đang cân nhắc xây dựng đường ống dẫn khí tới Oman, Pakistan và một số quốc gia khác.