|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

IMF là gì, logo IMF có gì?

21:17 | 14/10/2018
Chia sẻ
IMF là tổ chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund) thành lập vào năm 1945, có trụ sở chính tại thủ đô Washington, Mỹ.

IMF được chính thức thành lập năm 1945 với tôn chỉ thúc đẩy sự hợp tác tiền tệ quốc tế, tăng cường ổn định ngoại hối, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và cung cấp hỗ trợ tài chính tạm thời cho các nước hội viên để giảm nhẹ mức độ mất cân bằng trong cán cân thanh toán quốc tế.

Tổng số hội viên của IMF cho tới nay là 189 nước. Các nước thành viên có cổ phần lớn nhất trong IMF hiện nay là Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh và Pháp.

Ba chức năng chính của IMF gồm: (i) Giám sát tình hình kinh tế tài chính toàn cầu cũng như của các nước hội viên và tư vấn cho nước hội viên về chính sách kinh tế; (ii) Cung cấp hỗ trợ tài chính ngắn và trung hạn cho các nước hội viên gặp phải những khó khăn tạm thời về cán cân thanh toán và (iii) Trợ giúp kỹ thuật.

Hoạt động của IMF tại Việt Nam

Năm 1976, Việt Nam chính thức kế tục quy chế hội viên của Việt Nam tại IMF và được quyền hưởng các khoản vay từ IMF. Trong giai đoạn 1976-1981, IMF đã cho Việt Nam vay khoảng 200 triệu USD nhằm giải quyết những khó khăn trong cán cân thanh toán.

Sau khi Việt Nam phát sinh nợ quá hạn với IMF vào năm 1984 và IMF đình chỉ quyền vay vốn của Việt Nam, trong suốt thời gian từ 1985 đến tháng 10/1993, quan hệ giữa VN - IMF được duy trì thông qua đối thoại chính sách chủ yếu dưới hình thức tham khảo thường niên về kinh tế vĩ mô.

Tháng 10/1993, Việt Nam đã nối lại quan hệ tài chính với IMF. Giai đoạn 1993-2004, IMF đã cung cấp cho Việt Nam 4 khoản vay với tổng vốn cam kết 1.094 triệu USD, giải ngân được 670,8 triệu USD; trong đó 209,2 triệu USD của chương trình Tăng trưởng và Xoá đói Giảm nghèo PRGF.

Từ tháng 4/2004 đến 2012, IMF tích cực tiến hành nhiều hoạt động tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam hàng năm trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, thương mại, cải cách DNNN, tiền tệ, ngoại hối, thị trường mở, thanh tra ngân hàng (Đoàn điều IV: giám sát kinh tế vĩ mô), cải cách thuế (tư vấn cho Bộ Tài chính), xác định mục tiêu lạm phát, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố...

Ngoài ra, hàng trăm lượt cán bộ NHNN và các bộ ngành liên quan được tạo điều kiện tham dự các khóa đào tạo, hội thảo ngắn hạn và xuất học bổng dài hạn theo chương trình do IMF tài trợ tại Singapore, Áo, Mỹ.

Năm 2008, vốn cổ phần của Việt Nam tại IMF đã tăng thêm 131,6 triệu SDR từ 329,1 triệu SDR lên 460,7 triệu SDR. Việc góp vốn của Việt Nam hoàn tất và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 27/4/2011.

Về tăng vốn cổ phần, trong đợt rà soát vốn cổ phần tổng thể lần 14 của IMF, vốn cổ phần của Việt Nam tại IMF sẽ tiếp tục tăng từ 0,4607 tỷ SDR lên 1,1531 tỷ SDR (tăng thêm 692,4 triệu SDR). Trong đợt tăng vốn này, số cổ phần của Việt Nam tăng khoảng 150% so với mức tăng chung 100%, do ngoài mức tăng 100% cổ phần như các nước khác, tỷ lệ cổ phần của Việt Nam cũng được tăng từ 0,193% lên 0,242%.

Logo của IMF có gì?

Logo IMF có hình chiếc khiên màu xanh đặt trong một vòng tròn mỏng, bên trong có hai hình địa cầu biểu hiện tất cả châu lục, phía dưới hai quả cầu là một nhánh ô liu với ba chiếc lá và hai trái ô liu.

Dòng chữ International Monetary Fund (Quỹ tiền tệ quốc tế) chia thành hai phần và được ngăn cách bởi một cặp sao 5 cánh. Logo này cố gắng mô tả mục tiêu đã nêu rõ ràng của IMF.

imf la gi logo imf co gi
Logo của tổ chức Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF).

Xem thêm

Thảo Nguyên