|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

IMF: Bất ổn chính sách tài chính Mỹ, nợ Trung Quốc tăng gây rủi ro cho kinh tế châu Á

16:41 | 05/06/2017
Chia sẻ
Theo một quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sự thiếu rõ ràng về quy mô chính sách kích thích tài chính của Mỹ và tốc độ tăng trưởng nhanh tín dụng nội địa của Trung Quốc là những rủi ro đang bủa vây triển vọng phát triển của nền kinh tế châu Á.
imf canh bao su bat on ve chinh sach tai chinh cua my va tang truong no cua trung quoc se gay ra rui ro doi voi kinh te chau a

Phó Tổng Giám Đốc IMF, ông Mitsuhiro Furusawa cho biết ông nhận thấy hậu quả của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sẽ xảy ra nhanh hơn dự báo. Cụ thể, nâng lãi suất sẽ làm đồng USD tăng đáng kể, khiến gánh nặng về nợ đối với nền kinh tế mới nổi của châu Á trở nên nghiêm trọng, với những khoản vay lớn hơn bằng đồng USD.

Phát biểu tại một hội thảo về chính sách tài chính và nhân khẩu học của khu vực diễn ra ở Tokyo, ông Furusawa cho biết: “Châu Á tiếp tục là khu vực dẫn đầu thế giới về tăng trưởng nhờ nhu cầu mạnh hơn và những chính sách tiền tệ thích ứng. Tuy nhiên, triển vọng trong ngắn hạn vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực vì rủi ro và sự không chắc chắn”, như sự thiếu rõ ràng về quy mô và thành phần của chính sách kích thích tài chính mà Tổng thống Donald Trump đề xuất.

“Quá trình cân bằng lại nền kinh tế của Trung Quốc vẫn tiếp tục, nhưng tăng trưởng phụ thuộc vào phát triển nhanh tín dụng trong nước có thể gây ra nhiều vấn đề cho thị trường”, ông nói.

Ông Furusawa cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách châu Á điều chỉnh chính sách tài chính để có thể thích ứng với sự đi xuống của tăng trưởng dân số và việc dân số già tăng nhanh trong khu vực. Theo ông tăng trưởng dân số của châu Á được dự báo sẽ giảm xuống mức 0 vào năm 2050, với tỷ lệ người già so với dân số ở độ tuổi lao động tăng gấp 2,5 lần số liệu ở thời điểm hiện tại.

Các nhà hoạch định chính sách có thể giải quyết thách thức nhân khẩu học thông qua cải cách kiềm chế chi phí hệ thống chăm sóc sức khỏe và lương hưu, cung cấp ưu đãi thuế để tăng nguồn lực lao động tham gia, khuyến khích các kế hoạch tài chính trong trung hạn khả thi để đảm bảo tính ổn định của nợ.

“Kinh nghiệm cho thấy việc thích ứng chính sách tài chính trước khi dân số già đi là rất quan trọng. Điều này nên diễn ra với một tốc độ từ từ để san sẻ gánh gặng lên mọi thế hệ và để tránh tình trạng đạo ngược chính sách”, ông Furusawa cho biết.

Lyly Cao