|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

ICO: Giá cà phê tăng lên mức cao nhất trong hơn 6 năm

07:34 | 14/08/2021
Chia sẻ
Trong tháng 7, giá cà phê thế giới đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2014 do băng giá nghiêm trọng ảnh hưởng tới các trang trại cà phê tại Brazil làm gia tăng lo ngại về nguồn cung.

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), chỉ số giá cà phê thế giới trong tháng 7 tiếp tục tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2014 do băng giá nghiêm trọng ảnh hưởng tới các trang trại cà phê tại Brazil làm gia tăng lo ngại về nguồn cung.

Đà tăng giá này cũng được thúc đẩy bởi triển vọng tươi sáng hơn về nhu cầu khi các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 tại các thị trường tiêu thụ chính đang được dỡ bỏ và việc đẩy nhanh các chương trình tiêm chủng cho phép các hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường.

Trong tháng 7, chỉ số giá cà phê toàn cầu được theo dõi bởi ICO đạt trung bình 152,2 US cent/pound, tăng 8% so với tháng 6 và tăng tới 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây đã là tháng tăng giá thứ 9 liên tiếp và là mức cao nhất kể từ sau mức giá 162,2 US cent/pound ghi nhận được vào tháng 11/2014.

Chỉ số giá cà phê toàn cầu từ tháng 7/2017 đến tháng 7/2021

ICO: Giá cà phê tăng lên mức cao nhất trong hơn 6 năm - Ảnh 1.

Nguồn: ICO

Giá của cả 4 nhóm cà phê chính được theo dõi bởi ICO đều đã tăng đáng kể trong tháng vừa qua. Trong đó, giá cà phê arabica Colombia đạt trung bình 218,6 US cent/pound - mức cao nhất kể từ tháng 10/2014, tăng 42,6% so với tháng 7/2020. 

Tương tự, nhóm cà phê arabica khác đạt 204,3 US cent/pound, tăng 6,2% so với tháng 6.

Giá trung bình của cà phê tự nhiên Brazil tăng 8,4% so với tháng 6 và tăng 64% so với tháng 7/2020 lên 160,62 US cent/pound, mức cao nhất kể từ tháng 1/2015.

Chỉ số giá cà phê robusta cũng tăng 11,2% so với tháng 6 và tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2020, đạt trung bình 94,4 US cent/pound trong tháng 7.

Còn trên sàn giao dịch kỳ hạn New York, giá cà phê arabica hàng ngày đã tăng vọt 25,4% trong một tuần, từ 165,65 US cent/pound trong ngày 20/7 lên 207,8 US cent/pound vào ngày 26/7 khi sương giá xuất hiện tại các trang trại cà phê tại Brazil làm dấy lên lo ngại về nguồn cung.

Tính trung bình tháng 7, giá cà phê arabica kỳ hạn trên sàn New York đạt 168,55 US cen/lb tăng so với mức 156,43 US cent/pound trong tháng 6 và là mức cao nhất kể từ tháng 1/2015.

Trên thị trường kỳ hạn London, giá trung bình cà phê robusta trong tháng 7 cũng đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2017 với 81,2 US cent/pound.

Chênh lệch giá giữa arabica và robusta ghi nhận được trên thị trường kỳ hạn New York và London tăng 5% ở mức 87,4 US cent/pound trong tháng 7/2021 so với 83,3 US cent/pound trong tháng 6/2021.

Dư cung giảm dần, cán cân cung - cầu có thể đảo chiều từ niên vụ 2021-2022

Trong niên vụ cà phê 2020-2021, ICO ước tính tổng sản lượng cà phê toàn cầu đạt 169,6 triệu bao (60 kg/bao), tăng nhẹ 0,4% so với 169 triệu bao của niên vụ trước. Trong đó, sản lượng cà phê arabica dự kiến tăng 2,3% lên 99,2 triệu bao; ngược lại sản lượng cà phê robusta giảm 2,1% xuống còn 70,4 triệu bao.

Xét theo khu vực, sản lượng của châu Phi dự kiến không đổi ở mức 18,68 triệu bao của niên vụ trước.

Sản lượng tại châu Á và châu Đại Dương dự báo giảm 1,1% so với niên vụ 2019-2020 xuống 48,93 triệu bao trong niên vụ 2020-2021.

Sản lượng cà phê tại Trung Mỹ và Mexico cũng được dự báo sẽ giảm 2,1% xuống còn 19,19 triệu bao do thời tiết không thuận lợi làm giảm triển vọng sản xuất của nhiều quốc gia trong khu vực.

Trong khi đó, sản lượng cà phê tại khu vực Nam Mỹ trong niên vụ 2020-2021 dự kiến đạt 82,8 triệu bao, tăng 2% so với mức 81,2 triệu bao trong niên vụ 2019-2020.

Tuy nhiên, tình hình sản xuất của Brazil đang thu hút nhiều sự chú ý. Sản lượng cà phê của nước này trong niên vụ 2021-2022, bắt đầu vào tháng 4 năm ngoái, được dự báo sẽ giảm đáng kể do hạn hán và cây cà phê arabica bước vào chu kỳ cho sản lượng thấp.

Trong khi đó, đợt sương giá gần đây đã làm thiệt hại một lượng đáng kể cây cà phê, ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng sản xuất của nước này từ niên vụ 2022-2023 trở đi. Cơ quan quản lý cà phê Brazil vẫn đang đánh giá sự tác động của một trong những đợt sương giá tồi tệ nhất từ trước đến nay.

Về nhu cầu tiêu thụ, ICO dự báo tiêu thụ cà phê thế giới trong niên vụ 2020-2021 đạt 167,58 triệu bao, tăng 1,9% so với 164,43 triệu bao của niên vụ 2019-2020, nhưng vẫn thấp hơn 0,8% so với 168,5 triệu bao trước khi đại dịch bùng phát.

Với việc các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 đang được nới lỏng và triển vọng kinh tế tiếp tục đà hồi phục, tiêu dùng cà phê thế giới dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Tính từ niên vụ cà phê 2010-2011 đến nay, tiêu thụ trên thế giới đã tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân 1,7%/năm.

Tiêu dùng nội địa tại các quốc gia sản xuất và thị trường mới nổi đã đóng góp phần lớn vào kết quả này. Trong niên vụ cà phê 2020-2021, tiêu thụ ở các nước nhập khẩu dự kiến sẽ tăng 2,3%, lên 117,1 triệu bao, trong khi tiêu thụ nội địa ở các nước xuất khẩu dự kiến sẽ tăng 1% ở mức 50,5 triệu bao.

Cân đối cung cầu cà phê toàn cầu dự kiến sẽ thắt chặt do tổng cung được dự báo chỉ cao hơn 1,4% so với nhu cầu cà phê trong niên vụ 2020-2021, thấp hơn mức 3,2% trong niên vụ 2019-2020. 

Tuy nhiên, với triển vọng sản lượng giảm đáng kể từ Brazil do ảnh hưởng của đợt băng giá gần đây và yếu tố khí hậu ở nhiều nước xuất khẩu khác kết hợp với nhu cầu ngày càng tăng, cán cân cung cầu dự kiến sẽ đảo chiều từ niên vụ cà phê 2021-2022.

Cung – cầu cà phê thế giới từ niên vụ 2010-2011 đến 2020-2021

ICO: Giá cà phê tăng lên mức cao nhất trong hơn 6 năm - Ảnh 2.

Nguồn: ICO

Xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng 2,3% trong 9 tháng đầu niên vụ 2020-2021

Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 6/2021 đạt 11,2 triệu bao (60 kg/bao), tăng 4,1% so với 10,8 triệu bao của cùng kỳ năm 2020 và đạt tương đương tháng 6/2019, thời điểm trước đại dịch. Bất ổn chính trị ảnh hưởng đến giao thông vận tải hậu cần tại Colombia đã kết thúc. 

Hơn nữa, việc đẩy nhanh các chương trình tiêm chủng giúp cho nhiều nước xuất khẩu nới lỏng các biện pháp hạn chế di chuyển liên quan đến đại dịch COVID-19.

Trong tháng 6, xuất khẩu cà phê xanh đạt xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái với 9,7 triệu bao nhờ sự gia tăng của của nhóm cà phê tự nhiên Brazil và cà phê khác đã bù đắp sự sụt giảm xuất khẩu nhóm cà phê arabica Colombia và nhóm cà phê robusta.

Xuất khẩu cà phê rang xay đã tăng đáng kể nhưng vẫn ở mức thấp với chỉ 150.321 bao so với 9,7 triệu bao cà phê xanh xuất khẩu. Đặc biệt, xuất khẩu cà phê hòa tan đã tăng tới 35,4% từ 967.643 bao của tháng 6/2020 lên mức 1,3 triệu bao trong tháng 6/2021.

Tính chung 9 tháng đầu đầu niên vụ cà phê 2020-2021 (tháng 10/2020 đến tháng 6/2021), xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 98,6 triệu bao, tăng 2,5% so với 96,1 triệu bao trong cùng kỳ niên vụ 2019-2020.

Xét theo khu vực, xuất khẩu cà phê từ châu Phi trong 9 tháng đầu niên vụ 2020-2021 giảm 3,5% xuống 9,8 triệu bao. Trong đó, xuất khẩu tăng ở Uganda (15,8%), Tanzania (15,7%) và Kenya (17,5%) trong khi giảm ở Ethiopia (19,5%), Bờ Biển Ngà (47,4%).

Xuất khẩu cà phê của các khu vực từ niên vụ 2017-2018 đến niên vụ 2020-2021

ICO: Giá cà phê tăng lên mức cao nhất trong hơn 6 năm - Ảnh 3.

Nguồn: ICO

Xuất khẩu cà phê của châu Á và châu Đại Dương trong 9 tháng đầu niên vụ 2020-2021 đạt 29,7 triệu bao, giảm 4,5% so với cùng kỳ niên vụ trước. Xuất khẩu của Việt Nam giảm 11,3% trong khi Ấn Độ và Indonesia tăng lần lượt là 5% và 15,9%.

Xuất khẩu của Trung Mỹ và Mexico cũng giảm 1,3% xuống 12,8 triệu bao trong 9 tháng đầu niên vụ 2020-2021, với Honduras và Nicaragua ghi lần lượt là 6,1% và 9,4%.

Nam Mỹ là khu vực duy nhất có khối lượng xuất khẩu tăng trong giai đoạn từ tháng 10/2020 đến tháng 6/2021, với mức tăng 10,3% so với cùng kỳ niên vụ 2019-2020 lên 46,2 triệu bao. Trong đó, xuất khẩu tăng 14,8% ở Brazil và giảm 1,1% ở Colombia.

Hoàng Hiệp