|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Huyện Cần Giờ sẽ trở thành Thành phố du lịch?

22:15 | 30/03/2021
Chia sẻ
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TPHCM, huyện Cần Giờ có những thuận lợi riêng nên sẽ phát triển thành Thành phố du lịch và sinh thái mà không phải lên quận.
Huyện Cần Giờ sẽ trở thành Thành phố du lịch? - Ảnh 1.

TP.HCM hướng đến phát triển kinh tế biển mạnh mẽ trong tương lai. (Ảnh: Dân Trí).

Khu vực ven biển là một trong những nơi mang lại cơ hội phát triển kinh tế cao với lợi thế không gian biển rộng lớn và giàu tài nguyên với các dịch vụ hàng hải, du lịch, giao thương quốc tế, ngư nghiệp... Vì vậy, việc định hướng để TP HCM có kinh tế biển, chuỗi đô thị biển phát triển, kết nối với quốc tế và khu vực trở thành vấn đề đáng quan tâm.

Theo báo Thanh niên, tại Hội thảo "TP HCM - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế" diễn ra vào ngày 30/3, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho rằng huyện Cần Giờ có những thuận lợi riêng nên sẽ phát triển thành thành phố du lịch và sinh thái mà không phải lên quận.

Theo Chuyên gia quy hoạch, KTS. Nguyễn Xuân Anh, ý tưởng biến huyện Cần Giờ trở thành thành phố du lịch không phải điều mới mẻ mà đã được theo đuổi từ cách đây hai thập kỷ. Ông Xuân Anh đề nghị rằng đô thị biển Cần Giờ sẽ phát triển đô thị du lịch - ngoại thương. 

Nơi đây sẽ cung cấp điểm giao dịch cho thương gia hoạt động liên quan toàn bộ hệ thống cảng thị Cần Giờ xung quanh. Cùng với khu vực quanh cảng Hiệp Phước của huyện Nhà Bè, hai điểm này kết hợp trung tâm TP HCM hình thành trục giữa của hệ thống cảng thị quanh vịnh Cần Giờ, cung cấp cho hệ thống tri thức, sáng tạo, công nghệ mới, chất lượng sống tốt.

Bên cạnh việc đưa vào phát triển kinh tế biển vịnh Cần Giờ là cảng và đô thị lấn biển, huyện này cũng cần áp dụng những công nghệ biển hiện đại. Thanh Niên dẫn lời GS.TSKH. Hoàng Văn Huây, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng việc này sẽ đảm bảo vùng TP HCM trở thành TP cảng cửa ngõ lớn của thế giới.

Đồng thời, đảm bảo các quan điểm của đô thị sinh thái chung cho những tỉnh tiếp giáp rừng ngập mặn, cần những cơ chế liên kết vùng để đồng thuận 8 tỉnh trong vùng.

GS Đặng Hùng Võ cho rằng các quốc gia trên thế giới đã từng phát triển các TP hướng biển. Ông Võ cho rằng Cần Giờ tiến ra biển nhưng cần giữ được môi trường, hệ sinh thái. 

Đồng thời tiến tới liên kết vùng khi tiến ra biển để hình thành hệ sinh thái biển, bao gồm hệ sinh thái cộng sinh, tương trợ lẫn nhau, tạo thành địa giới hành chính vượt qua TP HCM. Phát triển kinh tế biển sẽ giúp kinh tế TP HCM "cất cánh" khi TP không còn bó buộc ở đất liền mà có thể chế ngự vùng biển trước mặt.

Theo Dân Trí, Tiến sỹ Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết vấn đề phát triển kinh tế biển và đô thị biển luôn được Đảng quan tâm đặc biệt. Là một thành phố ven biển, TP Hồ Chí Minh luôn duy trì vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước.

Năm 2020, TP Hồ Chí Minh chiếm tới 37,2% tổng GRDP của các tỉnh thành phố ven biển, FDI chiếm 25,1% tổng thu hút FDI của các tỉnh, thành phố ven biển và 10,8% cả nước.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế của TP HCM vẫn tiếp tục tăng trưởng khá và tiếp tục giữ vững vị trí tiên phong về phát triển kinh tế của cả nước với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cả giai đoạn tăng bình quân 6,41%, đóng góp trên 22,2% GDP của cả nước.

Theo "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước. Kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm từ 65 - 70% GDP cả nước.

Tường Vy