|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hương Giang Tourist mang theo gì lên UPCoM?

08:29 | 15/10/2020
Chia sẻ
Sở hữu nhiều khách sạn trung và cao cấp tại Huế, Hương Giang Tourist dự kiến sẽ giao dịch tại UPCoM với giá 10.000 đồng/cp, mức định giá là 200 tỉ đồng vào ngày 15/10.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thông báo chính thức đưa 20 triệu cổ phiếu HGT của CTCP Du lịch Hương Giang (Hương Giang Tourist) giao dịch trên UPCoM.

Ngày 15/10 là ngày giao dịch đầu tiên với giá tham chiếu là 10.000 đồng/cp, tương đương với mức định giá doanh nghiệp là 200 tỉ đồng.

Công ty Hương Giang Tourist được thành lập năm 1994. Đến tháng 1/2008, công ty được cổ phần với tên CTCP Du lịch Hương Giang. Kể từ thời điểm chuyển thành CTCP, Hương Giang Tourist chưa thực hiện thêm việc tăng vốn dưới bất kì hình thức nào.

Tháng 7/2016, Tập đoàn Bitexco đã mua lại 62,86% số cổ phần của Hương Giang Tourist từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với giá 12.600 đồng/cp, nâng tỉ lệ sở hữu lên 70,5% cổ phần.

Chỉ 3 tháng sau đó, Bitexco đã bán lại hơn 5,7 triệu cổ phần (tương đương 28,79% vốn) lại cho Crystal Treasure.

Đến tháng 9/2019, theo báo cáo Ban kiểm soát của Hương Giang Tourist, Bitexco đã giảm tỉ lệ sở hữu từ 41,74% xuống còn 9,11% vốn điều lệ.

Tại thời điểm 25/7/2020, cổ đông lớn của doanh nghiệp này gồm công ty TNHH Crystal Treasure (45,5%), Công ty Tấn Trường (20%), Công ty TNHH tập đoàn Bitexco (9,11%) và một số cổ đông khác.

Công ty hoạt động trong lĩnh vực chủ yếu là khách sạn, nhà hàng, lữ hành trong nước và quốc tế, vận chuyển du lịch, đại lí vé máy bay, liên doanh liên kết trong nước và nước ngoài về các dịch vụ du lịch.

Tính đến cuối quí II, công ty có tổng tài sản hơn 244 tỉ đồng, giảm 25 tỉ đồng so với ghi nhận hồi đầu năm. Trong đó, công ty dành phần lớn tài sản của mình để đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty liên doanh liên kết (chiếm gần 50% tổng tài sản).

Về nợ phải trả, công ty có mức nợ 43 tỉ đồng, trong đó phần lớn là khoản nợ phải trả cho UBND TT Huế 32 tỉ đồng, con số này phát sinh từ hợp đồng chuyển nhượng vốn giữa UBND tỉnh và Tập đoàn Bitexco.

Công ty Hương Giang Tourist cũng duy trì hệ số nợ vay/Tổng nguồn vốn ở mức thấp, xấp xỉ 1%.

Về cơ cấu doanh thu, hoạt động kinh doanh chính mang lại doanh thu và lợi nhuận là mảng khách sạn cho thuê phòng, chiếm tỉ trọng cao nhất là 65%, tiếp đến là kinh doanh dịch vụ nhà hàng chiếm vị trí thứ hai là 30% và hoạt động dịch vụ 5%.

Ông lớn xứ Huế Hương Giang Tourist lên sàn - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh của Hương Giang Tourist qua các năm. (Ảnh: Minh Hằng tổng hợp từ BCTC).

Về hoạt động kinh doanh của công ty, 3 năm gần đây nhất (2017 - 2019), thời điểm sau khi Bitexco giảm tỉ lệ sở hữu xuống 9,11% thì doanh nghiệp này mới có lãi nhưng chỉ vỏn vẹn vài tỉ đồng. 

Kế hoạch năm 2020, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu gần 89 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 4 tỉ đồng. Tuy nhiên, dưới tác động của dịch COVID-19 cũng khiến doanh nghiệp mới hoàn thành 19% kế hoạch doanh thu và ghi nhận lỗ hơn 22 tỉ đồng qua 6 tháng đầu năm.

Ông lớn xứ Huế Hương Giang Tourist lên sàn - Ảnh 2.

Những đơn vị mà Hương Giang Tourist góp vốn đầu tư tính đến ngày 25/7/2020. (Ảnh: Minh Hằng tổng hợp từ BCTN 2019).

Sở hữu nhiều quĩ đất ngay tại các trục đường chính của TP Huế

Công ty Hương Giang Tourist đang sở hữu khách sạn Hương Giang (4 sao), Công ty TNHH MTV Lữ hành Hương Giang; đồng sở hữu khách sạn Saigon Morin Huế (4 sao), khách sạn Azerai La Residence, Hue (5 sao); Lăng Cô Beach Resort (4 sao). Đây đều là những tên tuổi dịch vụ du lịch có tiếng tại Huế.

Ông lớn xứ Huế Hương Giang Tourist lên sàn - Ảnh 3.

Hương Giang Tourist sở hữu nhiều quĩ đất nằm trên trục đường chính Lê Lợi, TP Huế. (Nguồn: Hương Giang Tourist).

Tổng diện tích đất thuê và đất sở hữu của doanh nghiệp gần 49.158 m2, các khu đất đều nằm ngay trung tâm TP Huế, cạnh sông Hương.

Ông lớn xứ Huế Hương Giang Tourist lên sàn - Ảnh 4.

Hương Giang Tourist sở hữu đến 4 khách sạn 4 sao, 5 sao trên đường Lê Lợi, một trong những con đường huyết mạch, nằm bên cạnh sông Hương.

Theo lãnh đạo Hương Giang Tourist, để thực hiện được kế hoạch lợi nhuận đề ra, trong năm 2020, dự án cải tạo khách sạn Azerai La Residence sẽ hoàn thành thủ tục thuê đất trong năm 2020, thanh lí hợp đồng LD và tiến hành nâng cấp khách sạn Morin Huế sô 30 Lê Lợi, TP Huế.

Bên cạnh đó, dự án cải tạo Nhà hàng Festival số 11 Lê Lợi sẽ được đầu tư dự kiến 1 triệu USD (vốn tự có 40%), hiện đang thực hiện 30% kế hoạch và dự kiến hoàn thành trong năm 2020.

Ngoài ra, dự án khu nghỉ dưỡng NAMA Resort ở số 85 Nguyễn Chí Diễu (nằm gần Kinh thành Huế) có tổng diện tích khu đất 6.374 m2 đang vướng mắc đất đai nhưng sẽ sớm triển khai.

Minh Hằng