Huawei nuôi tham vọng trở thành Google thứ hai
Việc Huawei rời khỏi top 5 các nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới là điều đã được dự báo từ trước. Không những thế, công ty viễn thông lớn nhất thế giới cũng bị o ép trong lĩnh vực thế mạnh - hạ tầng mạng 5G tại nhiều quốc gia. Huawei cũng gặp khó khăn trong việc sản xuất các sản phẩm điện tử khi không đủ khả năng mua linh kiện cần thiết.
Song, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc không bỏ cuộc. Hãng đã có một kế hoạch B khác và khá thú vị, đó là sẽ học theo mô hình của Google trong việc mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang phần mềm, điện toán đám mây và ô tô thông minh, theo Slash Gear.
Mặc dù có kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển phần mềm, song trước giờ Huawei vẫn luôn được coi là một công ty phần cứng. Công ty sản xuất các thiết bị mạng, cho cả nhà khai thác và người tiêu dùng, nó cũng sản xuất smartphone.
Tuy nhiên, doanh nghiệp dựa trên phần cứng này đang đứng trên bờ vực phá sản dưới sức nặng đến từ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình Mỹ CNBC, Huawei cho biết họ đang tìm cách tập trung vào lĩnh vực phần mềm để đáp trả các lệnh trừng phạt này.
Đơn cử, Huawei đã bắt đầu phát triển hệ điều hành HarmonyOS riêng của mình. Lần đầu tiên hệ điều hành này xuất hiện là trên Tivi thông minh và các thiết bị IoT. Mục tiêu cuối cùng là biến HarmonyOS trở thành hệ điều hành di động chạy trên những chiếc smartphone của hãng, tương tự những gì Android của Google đã làm.
Công ty cũng đang có kế hoạch thâm nhập thị trường điện toán đám mây và ô tô thông minh, hai lĩnh vực mà Google, được biết đến là một hãng phần mềm và dịch vụ internet, tham gia từ lâu.
Đối với ô tô thông minh, tháng 10 năm ngoái, Huawei đã ra mắt nền tảng HI nhằm phát triển một kiến trúc kỹ thuật số hoàn toàn mới cho các phương tiện thông minh, với 5 giải pháp thông minh gồm: lái xe thông minh, buồng lái thông minh, mPower, kết nối thông minh, đám mây xe thông minh và hơn 30 linh kiện thông minh khác.
Trong lĩnh vực điện toán đám mây, mới đây hãng đã giới thiệu 6 sản phẩm dịch vụ đám mây và giải pháp chuyển đổi thông minh cho doanh nghiệp, gồm: cụm đám mây được đóng dạng container Huawei Cloud CCE Turbo, trợ lý lập trình thông minh CloudIDE, cơ sở dữ liệu GaussDB, dịch vụ máy tính thông minh (TICS), mô hình Pangu và phần mềm cơ sở hạ tầng cho tính toán đa dạng.
Lĩnh vực mới này không chỉ mang đến cho Huawei có những cơ hội kinh doanh trước giờ chưa có mà còn có thể giúp công ty tránh được những ảnh hưởng từ các lệnh cấm của Mỹ.
Song đây không phải là một hướng đi dễ dàng đối với Huawei. Bởi họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều đối thủ có thâm niên trong lĩnh vực này, đặc biệt tại Trung Quốc.
Ngay cả khi không có Google, Huawei cũng sẽ phải cạnh tranh với Alibaba, ông vua điện toán đám mây tại Trung Quốc hay Baidu, công ty dẫn đầu thị trường công nghệ tự động hoá ở nước này.