HSC: Lợi nhuận ròng 2019 của Yeah1 có thể giảm 83,3% xuống 26 tỉ đồng nếu không đạt được thỏa thuận với YouTube
Theo báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC) mới đây, CTCP Tập đoàn Yeah1 (Mã: YEG) đã nhận được thông tin từ YouTube về việc chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA – giấy phép để các nhà mạng đa kênh được phép tuyển chọn và quản lý doanh thu quảng cáo trên YouTube AdSense từ các kênh YouTube của bên thứ ba).
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 31/3/2019 và ảnh hưởng đến các công ty con/công ty đầu tư tài chính có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense của Yeah1 gồm SpringMe, Yeah1 Network và ScaleLad LLC.
HSC cho biết lãnh đạo của Yeah1 hiện đang làm việc với lãnh đạo cao cấp của YouTube để có được một giải pháp tích cực giúp duy trì thỏa thuận CHSA sau ngày 31/3/2019.
Tuy nhiên hiện chưa có thông tin chính thức về các cuộc đàm phán và kịch bản xấu nhất là Yeah1 sẽ không đạt được thỏa thuận với YouTube. Theo đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2019 sẽ bị điều chỉnh giảm 83,3% từ dự báo trước đây là 256,7 tỉ đồng, xuống còn 26 tỉ đồng, giảm 83,3%.
Được biết, hoạt động kinh doanh kỹ thuật số của Yeah1 bao gồm hai mảng chính: Mảng kinh doanh trên YouTube và Xuất Bản Nội Dung Số (Yeah1 Publishing) với tổng đóng góp 55,6% doanh thu và 84,1% lợi nhuận sau thuế của cả Tập đoàn.
Cụ thể, phân khúc YouTube chi tiết bao gồm Bán hàng trực tiếp (Direct Sales) với phần lớn doanh thu đến từ đánh giá được tài trợ (trực tiếp quảng cáo sản phẩm trong video), hợp tác B2B trong sản xuất nội dung và Mạng đa kênh YouTube ("YouTube MCN") liên quan đến việc quản lý các kênh YouTube. Trong đó, YouTube MCN lại được phân thành quản lý các kênh tự sở hữu và quản lý các kênh của bên thứ ba (đối tác).
Theo Yeah1, mô hình hoạt động của hai loại YouTube MCN là khá tương đồng, cùng nhận được 55% doanh thu quảng cáo từ YouTube, tuy nhiên, YouTube MCN phải chia sẻ đến 70-95% phần nhận được với các kênh của bên thứ ba/đối tác trong khi được giữ lại 100% phần nhận được từ YouTube với các kênh tự sở hữu. Do đó, việc quản lý các kênh tự sở hữu mang về biên lợi nhuận cao hơn nhiều lần so với quản lý các kênh của đối tác (trung bình chỉ khoảng 8%).
Yeah1 cho biết, việc YouTube có thể chấm dứt thỏa thuận Lưu trữ nội dung (CHSA) sẽ chỉ ảnh hưởng đến việc quản lý các kênh của bên thứ ba chứ không ảnh hưởng đến hoạt động của các kênh YouTube tự sở hữu.