HSC: Giá hợp lý của cổ phiếu ACV có thể cao hơn 40% giá chào sàn
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa thông báo 2.177.173.236 cổ phiếu của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ chính thức giao dịch trên UPCoM vào ngày 21/11/2016 với giá tham chiếu phiên chào sàn là 25.000 đồng. Công ty Cổ phần chứng khoán Tp. HCM (HSC) cũng đã báo cáo nhận định thị trường liên quan đến cổ phiếu ACV.
Giá hợp lý của cổ phiếu ACV là 35.000 đồng
Theo HSC, giá trị hợp lý của cổ phiếu ACV là 35.000 đồng, tương đương chỉ số EV/EBITDA (giá trị doanh nghiệp trên lợi nhuận trước thuế và khấu hao) là 8,6 lần. Tại mức giá tham chiếu phiên chào sàn, EV/ EBITDA là 7,1 lần. Như vậy giá trị hợp lý cao hơn giá tham chiếu phiên chào sàn là 40%.
Ngành hàng không của Việt Nam vẫn trong giai đoạn đầu của quá trình tăng trưởng. Do đó, HSC ước tính rằng lượng hành khách và hàng hóa sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR lần lượt là 13,9% và 10% trong 5 năm tới.
ACV là doanh nghiệp độc quyền khai thác sân bay tại Việt Nam. Xu hướng tăng trưởng trung hạn tùy thuộc vào sự chú trọng đối với mảng hàng không quốc tế với tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Rủi ro tỷ giá có vẻ không ảnh hưởng tới dòng tiền của công ty.
Lợi nhuận của ACV sẽ tăng trong ngắn hạn do bán cổ phần SGN và SAS
ACV đã nhận được chấp thuận từ Bộ Giao thông vận tải về việc giảm tỷ lệ sở hữu của ACV tại Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SAS) xuống 48% từ 51% hiện nay. Như vậy ACV sẽ bán khoảng 3,945 triệu cổ phiếu SAS. HSC ước tính ACV có thể ghi nhận 82,8 tỷ đồng lãi từ bán cổ phần SAS.
Trước đó ACV đã bán 1.319.700 cổ phiếu Công ty cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN) từ ngày 2/11 đến ngày 7/11/2016 để giảm sở hữu tại công ty này từ 54,598% xuống 48% thông qua giao dịch khớp lệnh. ACV sẽ ghi nhận 136 tỷ đồng lãi vào doanh thu hoạt động tài chính từ thoái vốn khỏi SGN trong Q4/2016. Như vậy, ACV có kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu tại 2 trong 3 công ty con để chuyển thành công ty liên kết.
ACV thoái vốn tại SGN và SAS có thể liên quan đến hạch toán lãi/lỗ tỷ giá
Tuy ACV không công bố động cơ đằng sau việc thoái vốn nhưng HSC cho rằng ACV có thể đang triển khai chính sách mới đối với việc hạch toán lãi/lỗ tỷ giá chưa thực hiện. Công ty có thể mong muốn ghi nhận lãi/lỗ tỷ giá chưa thực hiện là tài khoản ngoại bảng thay vì hạch toán trên Báo cáo KQKD hợp nhất. Bởi hiện tại, ACV đang chịu rủi ro bị ảnh hưởng bởi hạch toán định kỳ đối với lãi/lỗ tỷ giá lớn do mức vay nợ bằng ngoại tệ cao.
Đến cuối năm 2016, HSC ước tính nợ ròng bằng Yên Nhật của ACV sẽ là 69,896 tỷ Yên. Như vậy, nếu thoái vốn thành công, các khoản lãi/lỗ tỷ giá trong tương lai sẽ chỉ hạch toán trên báo cáo của công ty mẹ.
Báo cáo của HSC cũng đề cập tới việc ACV cũng có thể xem xét bán 1,2 triệu cổ phiếu của Công Ty Cổ Phần Dịch Vụ Nhiên Liệu Hàng Không Nội Bài (NAFSC) trong tương lai để giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty con này từ 60% xuống 48%. NAFSC chưa niêm yết và cổ phiếu của công ty này ít hoặc không được giao dịch trên thị trường OTC. Vì vậy, lợi nhuận từ việc bán cổ phiếu này nhiều khả năng sẽ không đáng kể.
Triển vọng kinh doanh của ACV trong năm 2017
Dựa trên giả định rằng số lượng hành khách tăng trưởng 18%, số lượng chuyến bay cất/hạ cánh tăng trưởng 9% và số lượng hàng hóa tăng trưởng 7%, HSC dự báo, trong năm 2017, kết quả kinh doanh của ACV sẽ tương đối khả quan.
Theo tính toán của HSC, doanh thu thuần của ACV ước đạt 18.181 tỷ đồng tăng trưởng 14%, lợi nhuận sau thuế cũng sẽ phục hồi mạnh với mức tăng trưởng 214%, đạt 3.931 tỷ đồng. Nếu không tính đến lỗ tỷ giá, EPS sẽ là 1.552 đồng/cp, dự phóng P/E là 16,11 lần trên giá tham chiếu niêm yết.