|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

HPG, MSN, VIC đứng đầu top bán ròng của khối ngoại nửa đầu năm

12:26 | 30/06/2022
Chia sẻ
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hàng nghìn tỷ đồng nhiều cổ phiếu blue chip như HPG của Hòa Phát, MSN của Masan, VIC của Vingroup, NVL của Novaland, …

Cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup nằm trong top 10 bán ròng của khối ngoại từ đầu năm 2022 đến 29/6. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Từ đầu năm 2022 đến hết phiên 29/6, giá trị giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam đạt trên 417.300 tỷ đồng, chiếm 6,8% tổng thanh khoản toàn thị trường. Tỷ lệ này không thay đổi nhiều so với con số 6,7% của cả năm 2021.

Trong đó, tổng giá trị mua của khối ngoại là 210.590 tỷ đồng và tổng giá trị bán là 206.750 tỷ. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 3.840 tỷ đồng trong gần 6 tháng đầu năm 2022.

Chứng chỉ quỹ FUEVFVND dẫn đầu danh sách mua ròng của khối ngoại với giá trị 3.785 tỷ đồng. Đây là quỹ ETF do Dragon Capital quản lý theo phương thức thụ động, mô phỏng biến động của chỉ số VN Diamond.

Các cổ phiếu khác trong top mua ròng bao gồm STB của Sacombank, DGC của Hóa chất Đức Giang, MWG của Thế Giới Di Động, BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn, …

Chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND đứng đầu top mua ròng của khối ngoại.

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài xả mạnh nhất cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát với giá trị bán ròng hơn 5.600 tỷ đồng. Năm 2021, HPG cũng đứng đầu top bán ròng của khối ngoại với giá trị 18.925 tỷ đồng. Tính đến ngày 29/6 năm nay, khối ngoại đang nắm giữ 15,9% vốn điều lệ của Tập đoàn Hòa Phát.

Tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 24/5 năm nay, tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát, cho biết ngành thép năm nay rất khó khăn vì nhu cầu ở Trung Quốc suy yếu và chi phí đầu vào lên cao do xung đột ở Ukraine.

Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu HPG đã rớt khoảng 35%. Ngày 20/6 vừa qua, Hòa Phát đã phát hành 1,34 tỷ cổ phiếu HPG để trả cổ tức năm 2021, qua đó nâng tổng số cổ phiếu lưu hành lên hơn 5,81 tỷ đơn vị, dẫn đầu thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan đứng số 2 với giá trị bán ròng gần 4.800 tỷ trong gần 6 tháng qua. Năm 2021, MSN cũng có mặt trong top 10 bán ròng của khối ngoại. Hiện nay, MSN là cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 6 thị trường chứng khoán Việt Nam, đạt khoảng 162.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup đứng ngay sau MSN trong danh sách bán ròng của khối ngoại với giá trị hơn 4.500 tỷ đồng. 

Hòa Phát dẫn đầu top bán ròng của khối ngoại trong năm 2021 cũng như nửa đầu năm 2022.

Chứng chỉ quỹ E1VFVN30 có tên trong top 10 với giá trị bán ròng 1.149 tỷ đồng. Đây cũng là quỹ ETF do Dragon Capital quản lý, tương tự như FUEVFVND đã nói ở trên. Điểm khác biệt là E1VFVN30 mô phỏng chỉ số VN30 chứ không phải chỉ số VN Diamond.

Trong bối cảnh chỉ số VN30 sa sút 17% so với đầu năm, giá chứng chỉ quỹ E1VFVN30 cũng đã đã sụt giảm một khoảng tương ứng.

Thống kê dưới đây cho thấy trong số 30 thành viên của VN30, chỉ có 6 mã tăng giá so với đầu năm 2022, dẫn đầu là PNJ với thành tích 34,6%. Ở chiều ngược lại, SSI là cổ phiếu giảm sâu nhất khi mất tới 59% giá trị. Cặp cổ phiếu mẹ con là VIC và VHM cùng mất 22,8%.

Đa số cổ phiếu VN30 giảm sút trong 6 tháng đầu năm 2022.

Song Ngọc