|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

HP dự kiến chuyển một số hoạt động sản xuất laptop sang Việt Nam từ năm 2024

17:14 | 18/07/2023
Chia sẻ
HP đang thực hiện đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc bằng việc chuyển một phần sản xuất sang các địa điểm thay thế, bao gồm Thái Lan và Mexico trong năm 2023, và có thể cả Việt Nam vào năm 2024.

Công ty máy tính HP của Mỹ đang làm việc với các nhà cung cấp để chuyển hoạt động sản xuất hàng triệu máy tính xách tay tiêu dùng và thương mại sang Thái Lan và Mexico trong năm nay, theo Asia Nikkei.

Đây là động thái quan trọng đầu tiên của nhà sản xuất máy tính hàng đầu nước Mỹ nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng máy tính cá nhân (PC) ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

HP, nhà sản xuất PC lớn thứ hai thế giới tính theo số lượng lô hàng xuất xưởng, sau Lenovo của Trung Quốc, đang có kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất máy tính xách tay thương mại sang Mexico, trong khi một phần của chuỗi sản xuất máy tính xách tay tiêu dùng của hãng sẽ chuyển sang Thái Lan.

HP sẽ chuyển một phần sản xuất laptop sang Thái Lan và Mexico trong năm nay. (Ảnh: Asia Nikkei).

Công ty này cũng đang có kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất máy tính xách tay sang Việt Nam, bắt đầu từ năm tới, theo nguồn tin từ một trong những nhà cung cấp của HP.

Các nhà cung cấp của HP cho biết sản lượng sản xuất của hãng bên ngoài Trung Quốc trong năm nay dự kiến rơi vào khoảng 2 – 5 triệu chiếc. HP đã xuất xưởng 55,2 triệu PC trên toàn thế giới vào năm ngoái.

Một số nhà cung cấp trong mảng PC đã và đang hoạt động tại Thái Lan, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự thay đổi của HP. Trong khi đó, việc chuyển một phần sản xuất máy tính xách tay thương mại sang Mexico có thể giúp công ty phục vụ thị trường Bắc Mỹ tốt hơn.

Việt Nam dần trở thành điểm đến tiềm năng của các công ty hàng đầu thế giới

Kế hoạch của HP được đưa ra sau khi đối thủ “đồng hương” Dell phát động một chiến dịch triệt để hơn, nhằm loại bỏ chip "made in China" khỏi các sản phẩm của mình.

Dell, công ty đã đưa ra kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng sớm hơn nhiều so với HP, sẽ sản xuất ít nhất 20% tổng số máy tính xách tay của mình tại Việt Nam trong năm nay. Ở cấp độ linh kiện, dự kiến tới khoảng cuối năm 2024 Dell mới có thể hoàn thành kế hoạch “tách biệt hoàn toàn” khỏi chip “Made in China”.

Một công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ khác là Apple cũng đã bắt đầu sản xuất MacBook tại Việt Nam trong năm nay, đánh dấu lần đầu tiên sản phẩm MacBook của họ được sản xuất bên ngoài Trung Quốc.

Động thái của HP tiếp tục giúp Việt Nam và Thái Lan xây dựng hệ sinh thái chuỗi cung ứng cho PC, biến Đông Nam Á trở thành một lựa chọn hấp dẫn hơn đối với các nhà sản xuất máy tính đang tìm kiếm các dịa điểm sản xuất thay thế bên ngoài Trung Quốc.

Thực tế, quá trình chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc của HP diễn ra tương đối chậm so với các công ty công nghệ khác của Mỹ, mặc dù họ đã đàm phán với các nhà cung cấp để đánh giá các địa điểm tiềm năng từ năm 2019.

HP đã hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành sản xuất thiết bị điện tử ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Ví dụ điển hình nhất về điều này là thành phố Trùng Khánh ở Trung Quốc, nơi HP bắt đầu phát triển thành một trung tâm sản xuất máy tính xách tay vào năm 2008.

Sau đó, hai nhà sản xuất máy tính khác là Acer và Asus đã tiếp bước HP, yêu cầu các nhà cung cấp chuyển sản xuất đến Trùng Khánh, nơi hiện cũng là địa điểm tập trung của rất nhiều nhà cung cấp của HP, từ Quanta Computer, Inventec cho đến Foxconn. Ngày nay, Trùng Khánh là thành phố hàng đầu ở Trung Quốc về xuất khẩu PC.

Mặt trái của điều này là chuỗi cung ứng sản xuất máy tính xách tay của HP ngày càng bị phụ thuộc vào Trung Quốc, đến mức nhiều chuyên gia và nhà phân tích trong ngành cho rằng họ khó có thể “tách rời hoàn toàn” khỏi quốc gia này.

Dữ liệu từ chuyên trang theo dõi Canalys cho thấy Mỹ là thị trường PC lớn nhất cho cả HP và Dell, chiếm lần lượt khoảng 31% và 40% tổng số lô hàng xuất xưởng của họ trong quý đầu tiên của năm 2023.

Trong khi đó, thị trường Trung Quốc chỉ chiếm lần lượt 7,5% và 8% tổng số lượng lô hàng xuất xưởng trong cùng kỳ đối với HP và Dell. Hai thương hiệu nội địa Trung Quốc là Lenovo và Huawei đã cùng nhau thống trị thị trường PC ở quốc gia này trong ba tháng đầu năm nay.

Mục đích chính của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng là giảm thiểu các yếu tố rủi ro liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, đồng thời tận dụng lợi thế của các trung tâm sản xuất mới nổi ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác.

Anh Nguyễn

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.