Hong Kong: Cổ phiếu tăng 9.800% và những tỷ phủ 'giấy'
Những câu chuyện "cũ rích" ở Hong Kong là một ai đó trong nháy mắt trở thành tỷ phú trên thị trường chứng khoán.
Nhưng chính xác điều gì nằm sau khối tài sản đó thì vẫn là một câu chuyện bí ẩn.
Hãy xem câu chuyện của Wong Wing-wah, người từng làm nghề đánh bắt cá trước khi bắt đầu một hãng kỹ thuật dân dụng. Ông này đã đưa công ty mình lên sàn chứng khoán năm ngoái, và cổ phiếu này nhanh chóng tăng 9.800%. Wong và một đối tác, người cùng sở hữu gần như toàn bộ số cổ phiếu của doanh nghiệp, giờ có tài sản khoảng 1 tỷ USD mỗi người. Công ty của họ, Luen Wong Group Holdings Ltd., năm ngoái báo lãi chỉ 1 triệu USD.
Chuyện gì đang diễn ra vậy? Câu trả lời nằm ở một trong những góc khuất nhất của thị trường tài chính Hong Kong: các cổ phiếu vốn hóa nhỏ.
Thị trường Chứng khoán Hong Kong và người anh em của nó, Thị trường Doanh nghiêp Tăng trưởng, đã trở thành nơi sản sinh ra các tỷ phú 'giấy'.
Chỉ trong ba năm qua, có lẽ tới hàng chục giám đốc điều hành, chủ yếu từ Trung Quốc, đã tích lũy hàng tỷ đô la tài sản khi giá cổ phiếu của công ty của họ tăng vọt, thường chẳng rõ vì lý do gì.
Các giám đốc điều hành và doanh nghiệp của họ cho đến nay không bị buộc tội làm sai. Nhưng hiện tượng này là lời cảnh báo với các nhà chức trách Hong Kong, những người cảnh báo rằng các cổ phiếu đó có thể dễ dàng bị thao túng, đặc biệt là khi có rất ít cổ phiếu nằm trong tay công chúng.
Trong một số trường hợp, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng của các công ty này dưới 1%, dẫn tới sự biến động giá khủng khiếp và chênh lệch giữa giá nhà đầu tư sẵn sàng mua và bán. Trường hợp của Luen Wong, chênh lệch giữa giá chào mua và chào bán lên tới 68%.
Philippe Espinasse, người từng đứng đầu bộ phận thị trường vốn cổ phần châu Á tại Nomura Holdings và là tác giả của cuốn "IPO: Hướng dẫn toàn cầu" cho biết: "Rất nhiều những người đó chỉ giàu có trên giấy tờ", nếu họ bán cổ phiếu của mình đi thì cổ phiếu của họ sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Cứ lặp đi lặp lại - 124 lần kể từ năm 2009, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch tương lai Hong Kong (SFC) đã cảnh báo về thứ được gọi là "sự tập trung cổ phần nắm giữ cao", khi hầu hết cổ phiếu của công ty nằm trong tay một số ít người, và khi khối lượng giao dịch thấp đi kèm với mức tăng 3 con số là tín hiệu cảnh giác cho nhà đầu tư. Giá trị thị trường của các công ty này là 79,6 tỷ USD tính tới ngày hôm nay.
"Thận trọng"
Tháng 4 năm 2016, khi Luen Wong bắt đầu giao dịch, SFC khuyến cáo "thận trọng" trong việc mua cổ phiếu này bởi 96% cổ phần được nắm giữ bởi 2 người sáng lập và 19 nhà đầu tư khác. Đến nay, các cổ phiếu của công ty này được giao dịch với giá cao hơn 7.500 % so với giá chào bán lần đầu ra công chúng (IPO). Tỷ số giá trên thu nhập (PE) của cổ phiếu này ở mức cực kỳ cao với 2.450, trong khi mức trung bình với các cổ phiếu vốn hóa nhỏ tại Hong Kong chỉ là 13.
Luen Wong đã không trả lời những thư điện tử, các cuộc gọi hay thư tay gửi tới văn phòng công ty để xin ý kiến bình luận.
Các công ty ở Hong Kong, thường là các công ty gia đình, đang sử dụng nhiều cách khác nhau để làm cổ phiếu của họ tăng giá một cách giả tạo, một giáo sư tài chính tại trường kinh doanh Cheung Kong cho biết. "Giờ đây những người Trung Quốc cũng đang tới đây và sử dụng những thủ thuật hay mánh khóe tương tự để tối đa hóa tài sản của họ".
Tỷ phú giấy mới đây nhất là Yam Yu, người nắm 36,5% cổ phần tại công ty International Business Settlement Holdings Ltd. (IBS) với trị giá gần 1,5 tỷ USD, dù công ty này không sinh lời từ gần 9 năm nay và ông Yam Yu cũng là cổ đông lớn nhất.
Năm ngoái, giá trị cổ phiếu Yam nắm giữ đã tăng hơn 180%, ông này đã bán 2,6 tỷ đô la Hong Kong (335 triệu USD) giá trị cổ phiếu cho Luo Feng, người được chỉ định làm chủ tịch công ty IBS. IBS sau đó huy động 1,6 tỷ đô la Hong Kong thông qua phát hành thêm cổ phiếu mới. Luo và Yam từ chối bình luận khi được Bloomberg hỏi về vấn đề này.