|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Hơn 700 container hàng Hanjin sẽ cập cảng Cát Lái'

09:30 | 24/09/2016
Chia sẻ
Tàu Hanjin Chennai sẽ cập cảng Cát Lái trong sáng nay (24/9). Đây là những container hàng đầu tiên cập cảng Việt Nam kể từ khi hãng vận tải này nộp đơn phá sản.
sang nay tau hanjin se cap cang cat lai van boi roi thong tin
Hãng vận tải Hanjin. Ảnh: CNBC.

Hanjin Việt Nam vừa gửi thông báo cho khách hàng của mình về việc nhận hàng tại cảng Cát Lái ngày 24/9.

Trao đổi với Vietnambiz, một nguồn tin từ Tân Cảng Sài Gòn cho biết, cảng Cát Lái đã xác nhận sẽ đón tàu Hanjin Chennai số chuyển 0049E vào sáng nay. Tàu Hanjin Chennai đăng kí cập cảng với khoảng 733 container hàng hóa.

Hãng vận tải lớn thứ 7 thế giới Hanjin Shipping (HJS) nộp đơn phá sản cuối tháng 8 đã gây ra "tình trạng gián đoạn trong việc vận chuyển hàng hóa trên toàn thế giới" theo lời Nhóm thương mại Mỹ.

Trước lo lắng hàng container hàng hóa của Việt Nam đang lênh đênh trên biển cùng tàu Hanjin, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo theo sát thông tin các tàu của Hanjin để trợ giúp doanh nghiệp lấy hàng nhanh nhất.

Nhưng trên thực tế, thông tin về các tàu của Hanjin vẫn đang là một 'ẩn số'.

Chiều 23/9, Cục Xuất nhập khẩu, (Bộ Công Thương) và Cục Hàng hải (Bộ Giao thông Vận tải) cùng với đại diện các doanh nghiệp, đơn vị chủ hàng, cảng biển vẫn đang họp bàn để tìm các giải pháp lấy hàng cho doanh nghiệp trên tàu của Hanjin hiện đang ở trên biển.

Trong lúc đó, hãng vận tải Hanjin gửi thông báo cho khách hàng của mình về việc đến nhận hàng tại cảng Cát Lái, tàu Hanjin Chennai - một trong hai tàu sẽ cập cảng Việt Nam theo kế hoạch trước khủng hoảng.

Tuy nhiên, nguồn tin của Vietnambiz cho biết, đến 15h cùng ngày, cảng Cát Lái vẫn chưa nhận được thông tin gì từ hãng Hanjin. Trên trang web chính thức, hãng này cập nhật tàu Hanjin Chennai đang ở Port Klang (một cảng của Malaysia) và dự kiến sẽ tới Việt Nam vào ngày 29/9.

Trước đó, ngày 22/9, bảng cập nhật tình hình toàn đội Tàu, Hanjin cho biết, Hanjin Chennai ở trạng thái “Port Authority rejected”, tức bị cảng từ chối. Cùng thời điểm đó, trao đổi với Vietnambiz, Cảng vụ Sài Gòn xác nhận từ 1/9 chưa có tàu nào cũng Hanjin đăng kí cập cảng Việt Nam.

Hai 'liều thuốc' cứu hàng hóa

TBKTSG dẫn lời ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ngày 23/9 cho biết, hiện tại các doanh nghiệp thuộc VASEP có hơn 150 container hàng xuất khẩu đông lạnh, chủ yếu là đến Mỹ do hãng tàu Hanjin vận chuyển hiện đang lênh đênh trên biển mà không biết tình trạng như thế nào, có thông quan và giao cho khách hàng được hay không.

Ông Hòe đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước phải gây áp lực với Hanjin để hãng tàu này cung cấp thông tin tình trạng hàng hóa, giúp doanh nghiệp tìm các giải pháp xử lý nhằm giảm thấp nhất thiệt hại.

Theo cập nhật ngày 21/9, hãng vận tải Hanjin chiếm 2,6% thị phần hàng hải thế giới (trước khủng hoảng là 2,9%).

Vào thời điểm bắt đầu khủng hoảng, hàng loạt tàu của Hanjin đã bị niêm phong, một số công ty của Mỹ kiện hãng tàu này đòi đóng băng tài sản với lý do quá hạn thanh toán. Theo báo cáo của Tân Cảng Sài Gòn, Hanjin hiện còn nợ đơn vị này khoảng 50 tỉ đồng. Công ty liên doanh Phát triển tiếp vận số 1 (cảng VICT) cho biết Hanjin đang nợ khoảng 80.000 USD, theo tin từ Tuổi Trẻ. Do đó, dù nằm lênh đênh trên biển, nhiều tàu của Hanjin vẫn chưa dám cập bến.

Ngoài Hanjin Chennai, theo kế hoạch tàu Hanjin Port Adelaide (số chuyến 0142W) vào ngày 04/09/2016. Trên trang web chính thức của Hanjin, tàu hiện đang ở Singapore và đến nay chưa có tin tức chính xác tàu này sẽ cập cảng Việt Nam khi nào.

Tuy nhiên, một tín hiệu tốt cho các chủ hàng của Hanjin, trong 2 ngày, Hanjin được nhận liên tiên tiếp hai gói vay tổng trị giá 99 triệu USD cho việc bốc dỡ hàng hóa cho khách hàng. Ngày 21/9, Korean Air đã cam kết cho Hanjin vay 60 tỉ won (54 triệu USD). Ngay sau đó, Ngân hàng phát triển Hàn Quốc, chủ nợ chính của công ty vận tải Hanjin (HJS) cũng đồng ý cấp thêm 50 tỉ won (45 triệu USD).

Theo báo cáo của hãng tàu HJS Việt Nam, hiện có khoảng 3.000 container hàng hóa của Việt Nam chưa thể về nước hoặc chưa thể hoàn thành việc xuất khẩu.

Trong đó có 1.516 container dự kiến nhập khẩu đang phải nằm chờ ở cảng các nước xuất khẩu, 432 container nhập khẩu “tắc” ở kho của khách hàng bên bán và 1.323 container xuất khẩu vẫn đang ở các cảng trung chuyển hoặc trên tàu của Hãng Hanjin chưa cập bến.

Tuệ Minh