'Hơn 50% Trung ương, gần 50% ủy viên Bộ Chính trị còn tuổi tái cử, không lo thiếu nhân sự'
Dấu ấn xây dựng Đảng của khóa XII
- 90 năm xây dựng, Đảng đã trải qua nhiều lần chỉnh đốn. Hoạt động chỉnh đốn Đảng, từ thời kỳ đổi mới đến nay đạt được những dấu ấn gì, thưa ông?
- Tư tưởng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được Bác Hồ chú trọng, nhắc nhở nhiều. Trong di chúc cách đây 50 năm, Bác dặn, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, việc đầu tiên cần làm là phải chỉnh đốn lại Đảng. Đáng tiếc là chúng ta đã không thực hiện đúng lời dặn của Bác.
May mắn là Đảng đã nhận ra khuyết điểm để bắt đầu từ khóa VIII tiến hành cuộc chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ đổi mới. Dấu ấn của hoạt động này là Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 (năm 1999). Tuy nhiên, cuộc vận động theo tinh thần nghị quyết đề ra cũng chưa đạt yêu cầu.
Tôi từng hỏi Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, người ký ban hành Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 khóa 8, ông trả lời: “Nghị quyết đã khám đúng bệnh, đã bốc đúng thuốc nhưng uống không đủ liều nên bệnh tình của bệnh nhân gia tăng”.
Từ khóa IX đến khóa XII hiện nay, Đảng càng thêm nhấn mạnh việc chỉnh đốn Đảng. Dấu ấn thể hiện ở những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ trong toàn bộ văn kiện Đại hội, ở 2 Nghị quyết Trung ương 4, ở Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương, nhất là của các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Trung ương Đảng…
Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng ban hành rất nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị. Có tổng cộng 124 văn bản liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng Đảng.
Chưa có nhiệm kỳ nào Đảng tập trung vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng như hiện tại, kể cả về chính trị, tư tưởng, về tổ chức bộ máy, về cán bộ. Có thể nói, nhiệm kỳ này, công tác xây dựng Đảng được quan tâm một cách toàn diện, trên tất cả các mặt.
- Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, như ông nói, thời gian qua còn hạn chế vì thiếu tính liên tục, khi thì làm quyết liệt, có thời kỳ lại trùng xuống. Vấn đề lúc này là sao để tiếp lửa cho cuộc chỉnh đốn được làm ráo riết gần 2 khóa qua?
- Chỉnh đốn Đảng vẫn luôn được coi trọng nhưng vấn đề đáng bàn là việc tổ chức thực hiện các chủ trương nói chung vẫn là khâu yếu lâu nay. Ngay cả khóa này, khâu tổ chức thực hiện các nghị quyết về xây dựng đảng có chuyển biến nhưng mới ở bên trên, thực tế vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.
Tôi cho rằng, nếu thực sự toàn Đảng đều chuyển động mạnh như ở Trung ương thì tình hình đã khác.
Cũng rút kinh nghiệm từ những lần trước, khóa này, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo quyết liệt hơn với quyết tâm chính trị cao hơn, thể hiện rất rõ là bất cứ ai vi phạm pháp luật của Nhà nước đều phải xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm không có ngoại lệ.
Mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thông tin, riêng trong nhiệm kỳ này, tới nay đã hơn 90 cán bộ cao cấp bị kỷ luật, trong đó có 2 ủy viên Bộ Chính trị. Ông Đinh La Thăng thậm chí đã phải xử lý hình sự. Vừa rồi, ông Hoàng Trung Hải bị cảnh cáo.
Đó là chưa kể đến một nguyên ủy viên Bộ Chính trị là ông Lê Thanh Hải cũng đã nhận kỷ luật. Thấp hơn thì điển hình như vụ AVG, 2 Bộ trưởng bị kết tội nhận hối lộ hàng triệu USD…
Như vậy, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí cũng chính là một dấu ấn của nhiệm kỳ này.
Có cán bộ nhụt chí, thu mình vì sợ bị “đưa vào lò”
PGS.TS Nguyễn Viết Thông nói về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
- Như ông nói, lần chỉnh đốn Đảng này gắn với cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Thành quả thì thấy rõ nhưng cũng cần đối mặt, giải quyết một vấn đề là việc nhiều cán bộ cấp cao nhận kỷ luật, vướng lao lý như thế khiến nhiều người nhụt chí, không ít nơi đã có biểu hiện làm cầm chừng vì sợ sai.
Mới đây, chủ trì họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu yêu cầu, trong năm 2020 cần dẹp tư tưởng co cụm, cầm chừng đó?
- Tổng Bí thư đã nhiều lần nói, nhận định chống tham nhũng dẫn tới việc co cụm là không đúng. Nếu như vậy, làm sao cả nước đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế tới 7,08% năm 2018, 7,02% năm 2019 trong khi kinh tế thế giới suy giảm.
Đúng là có những người nhụt chí, không dám làm, cầu toàn, thu mình lại vì sợ bị “đưa vào lò” nhưng cả xã hội vẫn đang làm tích cực mới có được kết quả như thế.
Còn những người ngại làm, sợ làm thì cũng không thể nói do cuộc chiến chống tham nhũng mà nguyên nhân là họ không nắm chắc pháp luật trong khi hệ thống pháp luật của Việt Nam chồng chéo.
Tại các phiên tòa xử những cán bộ “ngã ngựa” vừa qua, nhiều bị cáo nói rằng, xử như vậy thì còn xử được nhiều người nữa. Rõ ràng bản thân pháp luật, thể chế chồng chéo, mâu thuẫn, mà rõ nhất là luật Đất đai, luật Đầu tư công… khiến cán bộ dễ mắc khuyết điểm, đâm ra người ta cũng e ngại, thận trọng hơn.
Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đề ra cho Đại hội XIII phải giải quyết là đổi mới thể chế, mà trước hết là đổi mới hệ thống pháp luật, làm sao vừa thông thoáng vừa thống nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế.
- Ý kiến khác lại cho rằng bộ máy nhiều hư hỏng, khiếm khuyết chính là do con người, là thất bại của công tác cán bộ?
- Những vấn đề về nhân sự đã được đặt ra từ Đại hội XI. Tình trạng chạy chức, chạy quyền khi đó được nêu ra để thấy rằng việc “mua” chỗ này, “bán” ghế kia đã ảnh hưởng đến công tác cán bộ. Thực tế con số 90 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật chỉ trong nhiệm kỳ này cũng đủ thấy công tác cán bộ có vấn đề.
Báo chí cũng mổ xẻ nhiều, ví dụ về quy trình bổ nhiệm cán bộ. Bản thân quy trình không có tội lỗi gì cả, nhưng những người thực hiện quy trình không đúng dẫn đến bổ nhiệm cán bộ không đúng, bổ nhiệm người nhà, người thân, cánh hẩu, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp thao túng cán bộ.
Đơn cử, vụ Phan Văn Anh Vũ liên quan đến 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng bộc lộ một sự thật, một doanh nghiệp mà thao túng biết bao cán bộ trong hệ thống.
Đấy là một thực tế mà ta phải xác nhận rằng công tác cán bộ có khuyết điểm. Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII này đã thẳng thắn chỉ rõ khuyết điểm của cả đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ, trong đó nhấn mạnh tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân, họ hàng, cánh hẩu ở một số nơi gây bức xúc xã hội.
Quy hoạch 30 nhân sự cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư
- Vấn đề cần đặt ra lúc này là việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII như thế nào để khắc phục tình trạng đó?
- Với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, các cơ quan đã làm qua nhiều bước với các quy trình để lựa chọn ra 184 người quy hoạch vào Ban chấp hành Trung ương khóa mới. Lúc này, đợt học thứ 2 của 4 lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Trung ương đã kết thúc.
Nhưng không chỉ có cán bộ cấp chiến lược, để chuẩn bị cho Đại hội XIII, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 35, trong đó có đề cập đến công tác cán bộ, lựa chọn đội ngũ cán bộ tiêu chuẩn cả về đạo đức, năng lực trình độ. Gần đây nhất, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Văn bản, hướng dẫn như vậy đã có, nếu thực hiện đúng sẽ góp phần lựa chọn ra những đội ngũ cán bộ cả 4 cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Chúng ta hi vọng các quy định, chỉ đạo được thực hiện nghiêm túc.
Ngoài ra, tới đây, trong năm 2020, các cơ quan sẽ còn phải tiến hành quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ tới. Trung ương cũng sẽ xem xét bổ sung quy hoạch nhân sự vào Ban Chấp hành Trung ương, xem xuất hiện nhân tố mới nào có thể bổ sung vào đội ngũ này.
- Không ít ý kiến lo ngại một số lượng không nhỏ cán bộ cấp cao bị kỷ luật thời gian qua khiến cho những tính toán nhân sự cho khóa tới sẽ bị đảo lộn, thiếu hụt?
- Không lo vấn đề đó. Đến giờ phút này, Ban Chấp hành Trung ương, tính cả số đại biểu dự khuyết là gần 200 người. Dù các cơ quan chưa bàn về độ tuổi cụ thể của người tham gia Ban chấp hành Trung ương khóa tới nhưng chắc diều kiện cũng tương tự các khóa trước.
Như vậy, cũng có nhiều nhân sự sẽ quá tuổi, tới tuổi nghỉ hưu nhưng số còn lại cũng không phải ít. Trong Trung ương, số người còn tuổi vẫn trên 50%, Bộ Chính trị còn gần 50%, Ban Bí thư thì 100% các ủy viên còn tuổi. Tỷ lệ như vậy là rất cao.
Trong khi số nhân sự được quy hoạch mới đã là 184 người và còn mở rộng tiếp, phải tới trên 200. Cộng với số ủy viên Trung ương khóa XII vẫn còn tuổi thì nguồn nhân sự cho Trung ương khóa sau đã có hơn 300 người có thể bầu mà cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII chỉ khoảng 170-180 người. Như vậy nguồn nhân sự còn phong phú lắm.
Như Bộ Chính trị đã thông báo, năm nay chuẩn bị quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng không chỉ dừng ở 15-20 nhân sự mà sẽ tầm 30 người, tức là có số dư. Như vậy là cũng đã xuất hiện không ít người đủ đức, tài cho các vị trí, không sợ thiếu. Vấn đề vẫn là ở chỗ cơ chế tuyển chọn sao để lựa được người tài chứ Việt Nam không thiếu người tài.
- Xin cảm ơn ông!