Hơn 2,8 triệu tỷ đồng đầu tư cho khu vực nông thôn
Cụ thể vốn ngân sách nhà nước chiếm 10,5%; vốn lồng ghép 7,2%; vốn tín dụng 72,9%; doanh nghiệp, cộng đồng và người dân 9,4%.
Ông Ngô Trường Sơn Sơn, Chánh Văn phòng, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn) cho biết: Tiến độ giải ngân vốn ngân sách Trung ương (vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp) năm 2024 bao gồm các nguồn vốn của các năm trước kéo dài sang thực hiện năm 2024 đạt rất thấp.
Báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho thấy, tính đến ngày 20/10/2024, cả nước có 6.320/8.162 xã (77,4%) đã được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt quyết định xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Có 296 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 45,96% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước).
Cả nước, có 22 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 15 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới. Có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Theo số liệu báo cáo, đăng ký của các địa phương, dự kiến đến hết năm 2024, cả nước có khoảng 79 - 79,5% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (cơ bản hoàn thành mục tiêu được giao; đạt 99% mục tiêu phấn đấu đến năm 2025)
Để đạt mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan yêu cầu các địa phương cần bám sát những thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành để triển khai kịp thời mục tiêu cây dựng nông thôn mới tại địa phương mình. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có những vướng mắc cần chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các bộ, ngành để làm rõ các chỉ tiêu, tiêu chí và tháo gỡ kịp thời.
Các địa phương cũng cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển kinh tế, nắm bắt những lợi thế của mình để xây dựng những sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh để phát triển thành sản phẩm OCOP, phát triển du lịch cộng đồng…
Ban điều phối nông thôn mới Trung ương cần tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với các tỉnh, thành, địa phương để tư vấn giúp đỡ, tháo gỡ từng tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.