|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hơn 10.000 ha đất rừng ở Đồng Nai chưa cấp sổ đỏ

14:11 | 24/02/2022
Chia sẻ
Đồng Nai hiện còn hơn 10.000 ha đất rừng chưa cấp sổ đỏ. Từng chủ rừng đang phối hợp với cơ quan địa phương giải quyết những vướng mắc.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, địa phương có hơn 180.300 ha đất lâm nghiệp quy hoạch ba loại rừng, trong đó diện tích đất có rừng trên 165.300 ngàn ha nhưng diện tích đất rừng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) mới đạt gần 132.000 ha.

Hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn hơn 48.000 ha đất lâm nghiệp do các ban quản lý rừng phòng hộ, các đơn vị lâm nghiệp trung ương, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai quản lý chưa được cấp sổ đỏ. 

Những đơn vị còn nhiều diện tích chưa cấp giấy là Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú, Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành.

Về nguyên nhân, trong những thửa đất trên có một phần bị tranh chấp, lấn chiếm, có đường giao thông, sông suối, mặt nước chuyên dùng hoặc chưa hoàn thành phương án sử dụng đất nên cơ quan Tài nguyên và Môi trường tạm thời gác lại, chờ giải quyết xong các vướng mắc trên mới tiếp tục xem xét cấp sổ đỏ.

Theo Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành, Ban được giao quản lý hơn 5.600 ha đất lâm nghiệp, trong đó có gần 4.900 ha đã được cấp sổ đỏ, còn lại hơn 700 ha chưa được cấp sổ do bản đồ địa chính không chồng khớp, đất đai có sự biến động phải đo đạc, điều chỉnh lại. Đồng thời, có một phần nhỏ diện tích bị các hộ dân nhận khoán tranh chấp làm ảnh hưởng đến cả thửa đất lớn chưa cấp được sổ.

Đất lâm nghiệp do các đơn vị quản lý là đất công, do đó, có sổ đỏ giúp bảo vệ được nghiêm ngặt, tránh bị tranh chấp và lấn chiếm. Những năm gần đây, giá đất của Đồng Nai tăng rất cao, gấp 2-8 lần so với 5 năm trước nên việc quản lý đất công ngày càng khó khăn, nếu không cắm mốc, cấp sổ, công khai rõ ràng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm sẽ dễ bị lấn chiếm.

Trước đây, Đồng Nai đã xây dựng đề án quản lý đất công gồm có đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp,… do các nông, lâm trường, ban quản lý rừng phòng hộ quản lý nhưng việc triển khai chậm. Đây cũng là một trong những lý do khiến còn nhiều diện tích đất lâm nghiệp chưa được cấp sổ đỏ.

Hồng Vịnh (tổng hợp)