|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hơn 1.000 trường hợp vi phạm đất đai, xây dựng tại Đồng Nai

10:32 | 21/11/2021
Chia sẻ
Các trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bao gồm phân lô bán nền, sử dụng đất không đúng mục đích, lấn chiếm đất công.

Báo Đồng Nai thông tin, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi vừa có buổi làm việc với các sở ngành, địa phương về kết quả kiểm tra, xử lý việc phân lô, bán nền, xây dựng trái phép và kết quả xử lý vi phạm đất đai, xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Theo số liệu báo cáo của các địa phương, có khoảng 1.081 trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng, trong đó phân lô bán nền có 94 trường hợp và tập trung ở huyện Long Thành. 

Bên cạnh đó, có 388 trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, tập trung ở các huyện: Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Long Thành và 599 trường hợp lấn chiếm đất công.

Công tác quản lý đất đai của chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, chưa chủ động kiểm tra, phát hiện sớm để xử lý kịp thời các vi phạm. 

Mặt khác, công tác xử lý vi phạm, áp dụng biện pháp khắc phục vẫn chưa được chính quyền địa phương xử lý triệt để, thời gian thực hiện cưỡng chế kéo dài. 

Tại một số địa phương vẫn để xảy ra nhiều trường hợp lấn chiếm đất công trong thời gian dài chưa xử lý được. Việc xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến các vi phạm về đất đai, xây dựng chưa nghiêm.

Ngoài ra, vi phạm về đất đai xảy ra nhiều còn do các quy định về đất đai, xây dựng thường xuyên có những thay đổi hoặc vẫn còn các kẽ hở để một số cá nhân, tổ chức lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm. 

Đơn cử như nhiều cá nhân đồng sở hữu trên một thửa đất nông nghiệp (Luật Đất đai cho phép). Đây là một trong những hình thức biến tướng của phân lô, bán nền đất nông nghiệp, nhiều người đã lén lút xây dựng trái phép sau đó.

Những khu vực có công nghiệp phát triển, đô thị hóa nhanh thì vi phạm về đất đai nhiều hơn do người dân từ các tỉnh khác đến Đồng Nai làm việc trong các nhà máy có nhu cầu về nhà ở rất lớn, trong khi tỉnh có rất ít các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp. Do đó, nhiều người lao động đã làm liều mua đất nông nghiệp xây dựng nhà trái phép.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, muốn giải quyết tận gốc tình trạng vi phạm về đất đai, xây dựng, các sở ngành, địa phương phải phối hợp quy hoạch các dự án nhà ở xã hội, mời gọi nhà đầu tư triển khai nhanh trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động ổn định cuộc sống. 

Bên cạnh đó, ngành công an cần điều tra, xử lý thật nghiêm các đối tượng vẽ ra các dự án “ảo” rao bán đất nền trên mạng hoặc bằng tờ rơi để lừa người dân. Các địa phương công khai quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và phối hợp với báo đài tuyên truyền rộng rãi đến người dân để không bị lừa mua đất nông nghiệp phân lô bán nền.

Ngọc Anh