|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hôm nay Quốc hội thảo luận về kinh tế xã hội, thi hành Hiến pháp

07:53 | 26/10/2024
Chia sẻ
Ngày 26/10, đại biểu Quốc hội thảo luận kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2024, kế hoạch 2025 và tình hình thi hành Hiến pháp, điều chỉnh quy hoạch.

Báo cáo với Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết năm qua, an sinh xã hội được bảo đảm. Lương cơ sở, lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội tăng cao từ ngày 1/7. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vận động và tiếp nhận trên 2.150 tỷ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 Yagi.

Lực lượng lao động, tỷ lệ lao động có việc làm tăng; thu nhập bình quân người lao động đạt khoảng 7,6 triệu đồng. Chính phủ tập trung cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi. Công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm đạt kết quả tích cực; triển khai toàn diện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; phòng, chống cháy nổ.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận thể chế, pháp luật còn nhiều vướng mắc; tình trạng nợ đọng văn bản còn nhiều. Việc phân cấp, phân quyền bất cập, vẫn tập trung nhiều ở Trung ương, vẫn còn tình trạng "chưa đúng vai thuộc bài". Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn.

Bước sang năm 2025, Thủ tướng cho biết sẽ đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, nhất là các chương trình, dự án, công trình quan trọng quốc gia; tăng cường xúc tiến thương mại; đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và thị trường xuất, nhập khẩu.

Chính phủ cũng đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ phụ trợ; triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị.

Đề án đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn và nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao sẽ được triển khai; đồng thời phát huy hiệu quả hệ sinh thái, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.

Đến hết năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát và hoàn thành trên 100.000 căn nhà ở xã hội; mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Cơ quan chức năng sẽ đề ra các biện pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển xanh; triển khai đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du.

Bất động sản ở TP Thủ Đức, TP HCM. (Ảnh: Quỳnh Trần).

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ đổi mới mô hình tăng trưởng; tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế số; nâng cao chất lượng lao động, năng suất lao động xã hội; phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.

Chính sách tài khóa cần được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn trong năm 2025 để thích ứng với những thách thức của toàn cầu. Bộ, ngành địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành cho đầu tư phát triển; kiểm soát bội chi, nợ công trong giới hạn an toàn.

Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển; xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài cho các dự án đất đai; sớm hoàn thành cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

"Cần có giải pháp ngăn chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản kết hợp với kiểm soát tốt hơn số lượng nhà ở đang được xây dựng mới, khắc phục tình trạng mất cân đối cung - cầu", báo cáo thẩm tra nêu.

Ngoài nội dung trên, các đại biểu cũng thảo luận về tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.

Sơn Hà