|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Hồi tố Nghị định 20 cho thấy tinh thần dám chịu trách nhiệm của một chính phủ kiến tạo'

11:02 | 17/04/2020
Chia sẻ
Quan điểm kiên quyết không hồi tố của Bộ Tài chính khi sửa đổi điều khoản bất hợp lí trong Nghị định 20 tiếp tục nhận được nhiều ý kiến không đồng tình của các doanh nghiệp, chuyên gia và giới luật.
Luật sư Phạm Duy Khương - nhà sáng lập Công ty luật ASL LAW

Luật sư Phạm Duy Khương - nhà sáng lập Công ty luật ASL LAW

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) hiện đã được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ. Tuy nhiên, 'nút thắt' lớn nhất là việc qui định hiệu lực trở về trước (hồi tố) để có cơ sở trả lại khoản 'thu ép' 5.000 tỉ đồng vẫn không được tháo gỡ.

Điều này đã gây ra phản ứng trong các doanh nghiệp, giới chuyên gia kinh tế và luật về cả góc độ quan điểm chính sách lẫn thực thi pháp luật. Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Phạm Duy Khương - nhà sáng lập và điều hành Công ty luật ASL LAW cho rằng:

Theo quy định tại Điều 152.1 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì "Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được qui định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được qui định hiệu lực trở về trước".

Như vậy, theo qui định nêu trên, để được áp dụng hồi tố thì phải đảm bảo đồng thời điều kiện cần là "để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân" và điều kiện đủ là "đã được qui định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản qui phạm pháp luật của cơ quan trung ương".

Liên quan đến vấn đề được qui định tại Điều 8.3 của Nghị định 20, có thể thấy việc được hoàn thuế đối với số thuế đã được nộp do quy định thiếu hợp lí của Nghị định 20 là vì các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đã bị ảnh hưởng bởi Nghị định này, đặc biệt đặt trong bối cảnh hiện nay phần lớn các doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn do dịch Covid 19 tại Việt Nam và trên thế giới.

Ngoài ra, Luật quản lí thuế 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2020) cũng như Luật quản lí thuế hiện hành đều có qui định về việc hoàn thuế cũng như cách thức, thủ tục hoàn thuế. Đây phải được coi như là điều kiện đủ để có thể áp dụng hồi tố theo qui định của pháp luật hiện hành đối với các tổ chức bị ảnh hưởng bởi Nghị định 20.

Phóng viên: Bộ tư pháp khẳng định việc hồi tố hay không không có vướng mắc pháp luật, chỉ thuần túy là quan điểm chính sách. Trong bối cảnh đa phần các doanh nghiệp đều gặp khó khăn vì dịch bệnh, theo anh quan điểm chính sách nên thể hiện như thế nào?

Luật sư Phạm Duy Khương: Khi xem xét đến vấn đề có hồi tố hay không hồi tố, cần phải xem xét và cân nhắc vấn đề trong một bối cảnh tổng quát, không chỉ liên quan đến vấn đề dịch bệnh mà còn phải xem xét nhiều yếu tố, khía cạnh khác có thể kể đến.

Chẳng hạn như qui định như trong Nghị định 20 hiện hành có thực sự hợp lí khi được ban hành và thực thi trên thực tế hay chưa hay các quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi các quy định chưa hợp lí của Nghị định 20 có phải là các quyền và lợi ích hợp pháp theo qui định của pháp luật hiện hành hay không, việc hồi tố có ảnh hưởng đến lợi ích chung của xã hội, các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác hay không?

Từ trước đến nay, quan điểm và chính sách nhất quán của Nhà nước ta trong hoạt động quản lí xã hội là "Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh" - như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dân ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng là bao gồm cả các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Nếu như việc hồi tố và từ đó dẫn đến việc đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Nghị định 20 là cần thiết và việc này không làm ảnh hưởng đến lợi ích chung của xã hội, không làm ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác trong xã hội thì rõ ràng đây là việc nên làm bất kể có phải trong tình hình dịch bệnh hay không.

Việc đồng ý hồi tố cũng có thể cho thấy tinh thần dám chịu trách nhiệm của một chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ trong giai đoạn khó khăn của đất nước hiện nay.

Về chính sách, đây là qui định áp dụng chung cho toàn bộ doanh nghiệp chứ không phải cho riêng ngành và nhóm doanh nghiệp nào (như Văn phòng Chính phủ nêu "chính sách đã rõ ràng, minh bạch"), vậy có cần thiết lo ngại nguy cơ xin cho, tiêu cực không?

Đặt trong bối cảnh đã từng có nhiều chủ trương, chính sách bị hạn chế hiệu quả do cách vận dụng, áp dụng vào thực tế chưa phù hợp có nhiều lỗ hổng để bị lợi dụng trong quá trình thực thi thì tâm lí lo ngại này là hiểu được.

Bởi vì từ chính sách, từ qui định của pháp luật đến áp dụng vào đời sống hàng ngày là một quãng đường dài mà trong đó phụ thuộc phần lớn vào "cách thức áp dụng" pháp luật của các cơ quan, cán bộ công chức nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Do đó, bên cạnh việc ban hành chính sách, chủ trương, Chính phủ và các cơ quan có liên quan cũng nên có các biện pháp giám sát thi hành để đảm bảo có thể gỡ bỏ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình thực thi trên thực tế, nhanh chóng phát hiện các sai phạm và có biện pháp xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe đồng thời qua đó có thể cập nhật lại các chính sách, chủ trương để đảm bảo phù hợp với thực tế hơn.

Dưới góc độ tổng lợi ích xã hội, ông cho rằng nên khuyến khích quan điểm nào: tận thu để tăng thu ngân sách; hay cân bằng giữa nỗ lực thu thuế để doanh nghiệp lớn mạnh, tăng quy mô nền kinh tế và nhà nước thu được nhiều hơn tỉ lệ thuận với sự tăng trưởng?

Trong trường hợp này, nói là tận thu thì chưa thực sự hợp lí về ngữ cảnh và bản chất của vụ việc. Như trên đã nói, nếu việc hoàn thuế cho các tổ chức, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các qui định thiếu hợp lí của Nghị định 20 nếu là việc nên làm, thì cần phải làm và làm nhanh để đảm bảo được các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để ứng phó với các khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Công bằng mà nói, Chính phủ đã có rất nhiều quyết sách sáng suốt và kịp thời trong một thời gian rất ngắn khi dịch Covid-19 bùng nổ tại Việt Nam và trên phạm vi toàn thế giới thông qua các gói cứu trợ kinh tế cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, nguồn lực của Nhà nước cũng có hạn, Nhà nước khó có thể duy trì hay tiếp tục các gói cứu trợ kinh tế khác nếu như không có sự đồng lòng, chung sức của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong xã hội.

Doanh nghiệp có khỏe mạnh thì mới có thể đảm bảo được số tiền đóng thuế cho Nhà nước không bị thiếu hụt, đảm bảo được đời sống của cán bộ, công nhân viên thì qua đó gián tiếp làm giảm áp lực lên ngân sách Nhà nước chi ra cho các hoạt động cứu trợ.

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã từng dạy: "Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc". Chúng ta đang trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, nhưng nếu vẫn còn có thể thì các chính sách, chủ trương của Nhà nước nên hướng đến việc "khoan thư sức dân" cho các doanh nghiệp, để các doanh nghiệp có thể tích lũy về lượng để có thể bùng nổ về chất sau khi dịch đã qua đi.

Sắp tới đây, Nghị định 20 sẽ được thay thế bằng Nghị định mới. Ông có gợi ý gì về việc soạn thảo, ban hành các văn bản pháp qui nói chung để tránh lặp lại những điều đáng tiếc như Nghị định 20?

Qua tất cả những vấn đề phát sinh từ Nghị định 20, có thể thấy chúng ta đã có được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá hơn bao giờ hết. Nếu như Nghị định 20 là quyết tâm của Chính phủ và của ngành thuế trong việc tăng cường các biện pháp quản lý của nhà nước nhằm chống thất thu thuế trong hoạt động chuyển giá, Nghị định sắp được ban hành sẽ là một bước phát triển chắc chắn hơn nữa của Chính phủ trong hoạt động quản lý thuế, ngăn chặn chuyển giá.

Quá trình xây dựng Nghị định nên là diễn đàn giữa Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp để có thể trao đổi thẳng thắn, thấu đáo từng vấn đề, từng quy định, đảm bảo cân bằng giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo được mục đích quản lý thuế đã đặt ra.

Tránh trường hợp khi văn bản được ban hành thì không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho chính Doanh nghiệp như Nghị định 20.

Luật sư Phạm Duy Khương là Luật sư có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực luật kinh tế và sở hữu trí tuệ. Ông từng làm việc và là đối tác của nhiều công ty luật có tiếng tăm trước khi trở thành nhà sáng lập và điều hành Công ty luật ASL LAW. Ông Khương là Thạc sỹ luật tại Đại học La Trobe (Australia), từng hai lần được đề cử trong danh sách "The Legal 500" khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Hoành San

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.