'Học được từ đồng chí Đỗ Mười nhiều bài học quý'
Nhìn lại cách ông Đỗ Mười 'trị' lạm phát phi mã 30 năm trước |
Trên 70 năm liên tục công tác, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười được phân công phụ trách nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Ông là người được tôi luyện thử thách, trung thực, gắn bó với nhân dân.
Đến bây giờ, ông Hồ Thăng Trừng, nguyên Giám đốc Nhà máy Dưỡng khí Đà Nẵng (hiện nghỉ hưu tại phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) vẫn còn nhớ lần Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đến thăm nhà máy Đạm Hà Bắc.
Khi xe chở đồng chí Đỗ Mười vào cổng, bảo vệ Nhà máy mở cửa cho xe vào mà không hỏi giấy tờ. Thấy vậy, ông bước xuống xe, đi bộ vào cổng rồi vỗ vai, nhắc nhở bảo vệ, lần sau tất cả các xe vào nhà máy đều phải kiểm tra giấy tờ thì mới đảm bảo an ninh an toàn cho nhà máy loại một của miền Bắc.
Tổng Bí thư Đỗ Mười làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1990. |
Lần khác, vào đầu năm 1997, Tổng Bí thư Đỗ Mười vào làm việc với thành phố Đà Nẵng, ông dành thời gian đi thăm các doanh nghiệp nhà nước tại địa phương. Những nơi đến thăm, ông đều nhắc nhở lãnh đạo các doanh nghiệp chú trọng đầu tư cho tư liệu sản xuất, nhất là công nghiệp chế tạo, cơ khí, không để phụ thuộc vào việc nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài.
“Tổng Bí thư Đỗ Mười rất chân phương, chất phác, quyết đoán, đồng chí cũng rất sâu sát về tình hình của Đà Nẵng. Đồng chí khen nhưng cũng có cái nhắc nhở. Đó là làm thế nào phải phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế tạo máy. Không chỉ là công nghiệp chế tạo máy công cụ công nghiệp nặng, mà còn có nông nghiệp. Cho đến bây giờ, ngẫm lại, tôi thấy lời nhắc nhở ấy là cần thiết” - ông Hồ Thăng Trừng nói.
Ông Lê Quốc Khánh, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng kể, năm 1990, trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Đỗ Mười về thăm và làm việc với tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông đã dành thời gian đi thăm và làm việc tại xã Quế Minh, huyện Quế Sơn.
Tại đây, ông vào tận bếp, đến nhà người dân để hỏi thăm tình hình đời sống, sinh hoạt của bà con. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười nhận xét, xã Quế Minh là xã nghèo nhất nước, lãnh đạo địa phương phải tập trung giúp đỡ với nhiều cơ chế chính sách nhằm giúp người dân thoát nghèo, xã khá lên. Lời nhắc nhở này, các thế hệ lãnh đạo ở Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn nhớ. Sau đó xã Quế Minh đã vươn lên thoát nghèo.
Ông Lê Quốc Khánh luôn nhớ những lời nhắc nhở của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. |
Ông Lê Quốc Khánh nhớ nhất là khi làm việc với Công ty Xi măng Hải Vân, đồng chí Đỗ Mười có nói công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhà máy xi măng là một trong những cái cần thiết, chất lượng cần nâng lên. Lần thứ hai là khánh thành làng SOS, ông nói phải chăm sóc thật tốt trẻ em lang thang cơ nhỡ, trẻ em mồ côi cha mẹ.
Còn ông Nguyễn Tam Quý, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định luôn nhớ những hình ảnh giản dị của đồng chí Đỗ Mười. Năm 1987, khi nội bộ lãnh đạo tỉnh Nghĩa Bình (cũ) có vấn đề, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã vào làm việc với tỉnh.
Vừa bước xuống sân bay, ông đã hỏi ngay cán bộ lãnh đạo tỉnh: “Đốm lửa” cháy ở chỗ nào? Theo ông Nguyễn Tam Quý, đồng chí Đỗ Mười chỉ đạo quyết liệt những vấn đề khúc mắc khi nhập hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định nhưng cũng lắng nghe những kiến nghị xác đáng của địa phương để báo cáo Bộ Chính trị.
Ấn tượng nhất là cách làm việc khoa học, gần dân của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông Nguyễn Tam Quý cho kể: “Đồng chí có một quan điểm rõ ràng. Tức là một mặt đồng chí giải quyết những vấn đề tư tưởng; Có những tư tưởng cục bộ không tốt, đề phòng nội bộ mất đoàn kết, tất cả những vấn đề hai tỉnh nhập lại. Nhưng một mặt, ông cũng nghiên cứu trình với Trung ương, Quốc hội để trở lại tỉnh cũ (Bình Định, Quảng Ngãi). Ông rất gần gũi, thân thiện với cán bộ, đảng viên và nhân dân, phong cách rất quần chúng”.
Ông Lê Quốc Khánh và Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. |
Hình ảnh nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong lòng cán bộ và người dân các tỉnh miền Trung là một con người sâu sát thực tế, gần gũi với quần chúng nhân dân, nói đi đôi với làm, có tư duy nhạy bén, sắc sảo. Ông là một con người hành động, hành động quyết liệt.
Ông Phan Như Lâm, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng chi sẻ rằng học được từ nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nhiều bài học quý, đó là tư tưởng gần dân, hiểu dân và vì dân; tinh thần công tác làm việc nghiêm túc, quyết liệt; trao đổi giáo dục các lớp thế hệ cán bộ giữ đạo đức và lối sống liêm khiết, trung thực và hòa đồng.