Hoạt động vận tải toàn cầu gia tăng nhưng có dấu hiệu 'đuối sức' tại Mỹ
Theo Văn phòng Phân tích Chính sách Kinh tế Hà Lan (CPB), sản lượng công nghiệp toàn cầu tăng 1,6% trong ba tháng từ tháng 2-4/2024 so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động công nghiệp đã tăng trưởng khá chậm nhưng ổn định kể từ quý 4/2023.
Vận tải hàng hóa toàn cầu cũng bắt đầu tăng, với khối lượng tăng 0,9% trong khoảng thời gian từ tháng 2-4/2024 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng nhanh nhất kể từ khi bắt đầu suy thoái vào cuối năm 2022, mặc dù mức tăng này vẫn yếu so với 30 năm trước.
Tại châu Á, vận tải hàng hóa đã tăng mạnh hơn. Số lượng container được xử lý thông qua cảng Singapore (Xin-ga-po) đạt mức kỷ lục 16,9 triệu TEU (đơn vị đo lường tương đương với 1 container 20 ft) trong khoảng thời gian từ tháng 1-5/2024, so với mức 15,7 triệu TEU cùng kỳ năm trước.
Chỉ số chứng khoán KOSPI-100 của Hàn Quốc, tập trung nhiều vào các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, đã tăng lên mức cao nhất trong 30 tháng khi chu kỳ thương mại đi lên. Ngay cả ở Nhật Bản, Sân bay Quốc tế Narita cũng ghi nhận lượng hàng hóa vận tải bằng đường hàng không theo mùa tăng vào tháng Tư, lần đầu tiên sau hơn hai năm. Trong khi đó, Sân bay Heathrow ở London (Anh) đã xử lý lượng hàng hóa hàng không cao kỷ lục 0,62 triệu tấn trong năm tháng đầu năm, mức cao nhất kể từ trước đại dịch vào năm 2019.
Tuy nhiên, Mỹ lại đón nhận các chỉ số trái chiều, và các nhà sản xuất nước này có thể gặp khó khăn cho đến khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất để kích thích hoạt động tiêu dùng các mặt hàng lâu bền có giá trị cao.
Trong khi hoạt động vận tải container qua các cảng biển của Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ, thì hoạt động vận tải nội địa bằng đường sắt và đường bộ lại giảm. Chín cảng container hàng đầu của Mỹ đã xử lý gần 11 triệu TEU trong bốn tháng đầu năm, tăng từ mức chưa đến 10 triệu TEU của cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, số lượng container vận chuyển bằng các tuyến đường sắt chính đã tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù có dấu hiệu cho thấy đà phục hồi này đã đình trệ kể từ đầu năm 2024.
Ngược lại, vận tải đường bộ tiếp tục giảm, dù chậm hơn so với năm 2023. Đà suy giảm liên tục của hoạt động vận tải đường bộ có thể là lý do vì sao lượng tiêu thụ dầu diesel lại yếu đến bất ngờ vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Sức mạnh của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác có thể đang khuyến khích hoạt động nhập khẩu, trong khi lãi suất cao làm giảm nhu cầu đối với các mặt hàng lâu bền có giá trị cao được sản xuất trong nước.
Sản lượng sản xuất và các đơn đặt hàng mới cho hàng hóa vốn phi quốc phòng (không bao gồm các mặt hàng vận chuyển dễ biến động), một chỉ báo cho hoạt động đầu tư kinh doanh của Mỹ, đều đi ngang trong năm qua. Sự phục hồi đang diễn ra chậm hơn và rời rạc hơn nhiều so với dự đoán vào đầu năm, từ đó ảnh hưởng đến tiêu thụ dầu diesel và giá dầu.