|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hòa Phát vượt kế hoạch tiêu thụ thép xây dựng 2019, xuất khẩu tháng 12 tăng gần 82%

19:10 | 04/01/2020
Chia sẻ
Năm 2019, Hòa Phát đã sản xuất và cung cấp hơn 2,77 triệu tấn thép xây dựng cho thị trường, tăng 16,8% so với năm trước và vượt kế hoạch tiêu thụ 2,7 triệu tấn đã đề ra.
Hòa Phát vượt kế hoạch tiêu thụ thép xây dựng 2019, xuất khẩu tháng 12 tăng gần 82% - Ảnh 1.

Tòa nhà Hòa Phát tại Hà Nội. Ảnh: Song Ngọc

Theo tin từ CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), trong số gần 2,8 triệu tấn thép xây dựng tiêu thụ năm 2019 có trên 265.000 tấn xuất khẩu tới các thị trường như Nhật Bản, Campuchia, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Australia, Mỹ…

Riêng tháng 12 vừa qua, sản lượng bán hàng thép xây dựng Hòa Phát đạt 285.000 tấn, tăng 33,7% so với tháng 12/2018, xuất khẩu đạt 39.664 tấn tăng 81,8% so với cùng kì. Tháng 12/2019, khu vực phía Nam đạt sản lượng bán hàng khoảng 70.000 tấn, gấp gần ba lần so với cùng kì 2018.

Tuy nhiên, sản lượng bán hàng cao nhất trong năm 2019 của thép xây dựng Hòa Phát tại phía Nam đã được ghi nhận trong tháng 11 với trên 80.000 tấn. Ông Đỗ Minh Quý – Giám đốc chi nhánh Thép xây dựng Hòa Phát tại TP Hồ Chí Minh cho biết sản lượng bán hàng trong hai tháng cuối năm nói trên là mức cao nhất trong lịch sử công ty.

Hòa Phát vượt kế hoạch tiêu thụ thép xây dựng 2019, xuất khẩu tháng 12 tăng gần 82% - Ảnh 2.

Lũy kế cả năm 2019, khu vực miền Nam đã tiêu thụ được gần 500.000 tấn thép xây dựng, gấp đôi năm 2018. Sản phẩm được tiêu thụ đều ở cả mảng dân dụng và dự án.

Theo Hòa Phát, tiêu thụ ở khu vực phía Nam gần đây tăng mạnh nhờ được cung cấp sản phẩm từ Khu liên hợp gang thép Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Với việc cảng biển cho phép tàu trọng tải lớn cập bến, thép Hòa Phát dễ dàng vận chuyển đến các tỉnh khu vực miền Trung, miền Nam cũng như xuất khẩu. 

Mới đây, Hòa Phát cho biết công ty đã xuất một lô hàng 20.000 tấn thép thanh từ Khu liên hợp Dung Quất đến một khách hàng lâu năm ở Vancouver, Canada.

Hòa Phát vượt kế hoạch tiêu thụ thép xây dựng 2019, xuất khẩu tháng 12 tăng gần 82% - Ảnh 3.

Đến thời điểm này, Khu liên hợp Dung Quất đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm giai đoạn 1 và đẩy mạnh tiến độ xây dựng giai đoạn 2. Dự kiến toàn bộ hai giai đoạn sẽ đi vào hoạt động đồng bộ từ cuối quí II/2020.

Trong buổi gặp mặt nhà đầu tư mới đây, Ban lãnh đạo Hòa Phát cho biết Khu liên hợp Dung Quất có cảng nước sâu cho phép tàu 200.000 tấn cập bến, nhờ vậy mà Hòa Phát giảm 3-5 USD chi phí trên mỗi tấn nguyên liệu so với Khu liên hợp Hải Dương. Đây là lợi thế lớn vì nguyên liệu phải nhập hàng năm lên tới nhiều triệu tấn. 

Mặt khác cảng biển nước sâu ở Dung Quất còn giúp Hòa Phát dễ dàng chuyển sản phẩm tới các thị trường phía Nam và xuất khẩu so với từ cảng sông Kinh Thầy, Hải Dương.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết giải ngân đầu tư tài sản cố định (CAPEX) cho Khu liên hợp Dung Quất hiện nay đã đạt khoảng 50.000 tỉ đồng, trong đó 30.000 tỉ đồng được huy động từ nguồn nội bộ, còn 20.000 tỉ đồng còn lại được vay từ các ngân hàng VietinBank và Vietcombank.

Khoản CAPEX 2.000 tỉ đồng còn lại sẽ được chi trong giai đoạn 2020-2021 từ lợi nhuận kinh doanh của công ty. VDSC dẫn lời Giám đốc Tài chính của Hòa Phát cho biết công ty được vay tiền với lãi suất ưu đãi và sẽ bắt đầu trả khoản nợ gốc đầu tiên vào tháng 8/2020.

Song Ngọc

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.