Hóa đơn tiền điện đang trở thành nỗi ám ảnh với người dân châu Âu
Theo The Economist, kể từ đầu tháng 9, giá điện bán buôn ở Đức và Pháp đã lần lượt tăng 36% và 48%, dao động ở mức khoảng 189 USD/MWh, mức cao nhất từ trước đến nay.
Tương tự, giá điện tại Anh hiện ở mức 532 USD/MWh, tăng gấp đôi so với mức 203 USD/MWh vào vài tuần trước.
Nguyên nhân khiến giá điện toàn Châu Âu tăng đột biến là thiếu hụt khí đốt tự nhiên, loại nhiên liệu được sử dụng để sản xuất 1/5 tổng sản lượng điện của châu Âu. Trong đó, 1/3 nguồn cung khí đốt đến từ Nga, 1/5 trong số còn lại đến từ Na Uy.
Tuy nhiên, nguồn cung khí đốt của cả hai quốc gia đều gián đoạn bởi những yếu tố khách quan, ví dụ như vụ hỏa hoạn tại một nhà máy chế biến ở Siberia khiến nguồn cung khí đốt giảm so với dự kiến.
Những công ty khí đốt của châu Âu phải tìm đến khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để bù đắp sự thiếu hụt. Nhưng họ đã phải cạnh tranh với khách hàng ở Trung Quốc và Nhật Bản, nơi nhu cầu về LNG đang tăng lên.
Ông Graham Freedman, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie cho biết giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7, lượng LNG nhập khẩu vào châu Âu giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, châu Âu phải chịu một mùa đông lạnh giá và kéo dài khiến lượng khí đốt tồn kho cạn kiệt. Hiện, lượng dự trữ đang giảm khoảng 25% so với bình quân lượng khí dự trữ dài hạn.
Thông thường, khi giá khí đốt tăng, các công ty điện lực châu Âu sẽ xoay xở bằng cách sử dụng nhiều than hơn. Tuy nhiên, giá than cũng ở mức cao kỷ lục do nhu cầu tiêu thụ điện và sản xuất của Trung Quốc bị tắc nghẽn.
Chi phí giấy phép carbon của châu Âu cũng cao kỷ lục bởi vì lượng khí thải nhiệt điện than thải ra môi trường nhiều hơn đốt khí tự nhiên, có thể gây ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính. Do đó, giấy phép carbon vô cùng đắt đỏ, đẩy giá điện tăng cao.
Một yếu tố khác khiến giá điện tăng cao là thiếu gió. Khoảng 1/10 năng lượng của châu Âu được tạo ra bởi gió. Ở một số quốc gia, bao gồm cả Đức và Anh, tỷ lệ này cao gấp đôi. Tuy nhiên gần đây lượng gió thực sự bất thường.
Ví dụ, ở Đức, trong hai tuần đầu tiên của tháng 9, sản lượng điện từ gió thấp hơn 50% so với mức trung bình trong 5 năm, Roy Manuell của ICIS, một công ty nghiên cứu cho biết.
Như vậy, giá điện ở Anh tăng ở mức kỷ lục. Nguyên nhân là nước này đặc biệt phụ thuộc vào năng lượng từ khí và gió. Hai nguồn này tạo ra khoảng 60% điện năng của Anh, gần gấp đôi mức trung bình của châu Âu.
Trong khi các nước láng giềng tìm đến lưới điện châu Âu để cân bằng cung và cầu điện và giúp giá điện bớt biến động hơn song nước Anh lại ít kết nối với lưới điện khiến nước này chịu thiệt hại nặng nề hơn.
Vấn đề thiếu điện ở Anh càng ở nên trầm trọng khi hoạt động thương mại giữa Anh và Pháp bị trì hoãn vì hỏa hoạn.
Các nhà phân tích dự báo giá điện sẽ tiếp tục tăng trong suốt mùa đông khi nhu cầu sưởi ấm và sử dụng điện đạt đỉnh. Đó là tin không tốt đối với người tiêu dùng châu Âu, những người sẽ phải chịu nhiều chi phí.
Một số quốc gia đang nỗ lực hỗ trợ người tiêu dùng. Cụ thể, nội các Tây Ban Nha c đã thông qua các biện pháp khẩn cấp nhằm kiểm soát giá khí đốt và lợi nhuận của các công ty cung ứng.
Bên cạnh đó, Chính phủ Italy cũng đang xem xét cách tính hóa đơn tiền điện. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách rất khó giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng trước biến động xấu của tình hình thiếu khí đốt tự nhiên.
Một số nhà phân tích cho rằng một mùa đông đặc biệt lạnh có thể gây ra tình trạng mất điện, hóa đơn tiền điện sẽ trở thành nỗi ám ảnh với người dân châu Âu.