'Hỗ trợ nhưng không trợ cấp'
|
Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV), ngày 8/11.
Cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa là "xương sống" của nền kinh tế, Bộ trưởng Dũng phát biểu: "Ở mọi quốc gia, công tác hỗ trợ, phát triển DNNVV luôn đòi hỏi một chiến lược hay cách tiếp cận mang tính tổng thể, cắt ngang và điều chỉnh nhiều lĩnh vực khác nhau".
Vì vậy, dự án Luật đưa ra các nội dung hỗ trợ cơ bản đối với DNNVV, bao gồm gia nhập và rút khỏi thị trường, tiếp cận tín dụng, tài chính, công nghệ, mặt bằng sản xuất, xúc tiến và mở rộng thị trường, mua sắm công, thông tin và tư vấn, đào tạo, ươm tạo và cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Đây là những hỗ trợ cơ bản, thiết yếu đối với tất cả các DNNVV.
"Trừ nội dung giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật sẽ không hỗ trợ tài chính trực tiếp, không bao cấp cho DNNVV. Những hỗ trợ cơ bản này được thực hiện thông qua cơ chế chính sách để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho DNNVV", Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Bộ trưởng Dũng cho rằng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước đã giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp. Nguồn hỗ trợ cho các doanh nghiệp này sẽ đến từ ngân sách hỗ trợ và dự toán ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV cũng như huy động nguồn vốn ngoài ngân sách.
Vì vậy, Ủy ban kinh tế Quốc hội nêu rõ quan điểm trong báo cáo thẩm tra, hiện nay ngân sách còn khó khăn vì vậy cần nghiên cứu kĩ tác động của việc giảm thuế và sẽ đưa phương án tối ưu trình Quốc hội.
Dự thảo Luật đã thu hẹp các đối tượng hỗ trợ nhằm có trọng tâm, tập trung nguồn lực ưu tiên. Đó là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, DNNVV trong lĩnh vực sản xuất chế biến, DNNVV tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành. Trong đó, nhóm doanh nghiệp chuyển từ hộ kinh doanh sẽ được hỗ trợ tích cực nhằm thay đổi quy mô và diện mạo nền kinh tế.
Trong khi đó, Ủy ban Kinh tế lại cho rằng, đối tượng hỗ trợ của luật là rất lớn (khoảng 520.000 DNNVV) nếu quy định hỗ trợ cả hộ kinh doanh thì không khả thi. Ngoài những hỗ trợ cơ bản cho tất cả các DNNVV, với chương trình hỗ trợ trọng tâm, đề nghị rà soát kỹ đối tượng áp dụng, không hỗ trợ chung chung mà cần ưu tiên tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cho rằng, dự thảo luật chưa có nội dung khắc phục những hạn chế do việc tổ chức thực hiện chưa tốt, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của DNNVV.
GS Nguyễn Mại: Samsung được ưu đãi thuế, doanh nghiệp vừa và nhỏ của VN thì không? |
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: “Làm luật”, không “phát chẩn”! |