|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hiu hắt thân phận Dự án BOT Xây dựng cầu Thái Hà

07:24 | 25/01/2019
Chia sẻ
Sau hơn 2 năm thông xe, Dự án BOT Xây dựng cầu Thái Hà vượt sông Hồng vẫn chưa thể mang lại doanh thu cho doanh nghiệp dự án ngoài những vướng mắc, phiền lụy.
hiu hat than phan du an bot xay dung cau thai ha
Sau hơn 2 năm thông xe, Dự án BOT Xây dựng cầu Thái Hà vượt sông Hồng vẫn chưa thể tiến hành thu phí. Ảnh: Anh Minh

Bịt đường kết nối

Niềm vui quả là thứ gì đó rất xa xỉ với nhóm nhà đầu tư Dự án BOT Xây dựng cầu Thái Hà vượt sông Hồng gồm các đơn vị: Công ty TNHH Tiến Đại Pháp - Công ty cổ phần Tư vấn và xây dựng Phú Xuân - Công ty cổ phần Đầu tư và XNK Bình Minh.

Chỉ chưa đầy nửa ngày kể từ được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho phép thu phí hoàn vốn (từ 0h ngày 10/1/2019), công tác thu phí tại trạm BOT cầu Thái Hà lập tức bị gián đoạn khi tại điểm đầu Dự án BT tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình kết nối với cầu Thái Hà đột nhiên xuất hiện các biển công trường đang thi công với các ống cống đường kính lớn bỗng nhiên được đặt ngang mặt đường, khiến các phương tiện giao thông theo cả hai hướng Hà Nam - Thái Bình và Thái Bình - Hà Nam gặp khó khăn khi lưu thông.

“Đến tối ngày 11/1, một số chủ xe cơ giới sau khi vượt qua trạm thu phí, nhưng không đi sang được phía Thái Bình đã quay lại đập phá khu vực cabin trạm thu phí”, ông Nguyễn Đức Ý, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà than vãn.

Hai ngày sau (14/1), lưu thông trên cầu Thái Hà chính thức bị phong tỏa hoàn toàn khi trên tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam do Công ty cổ phần Phương Anh là nhà đầu tư, đất đá được đổ kín toàn bộ mặt đường.

“Việc nhà đầu tư Dự án BT tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam đơn phương đóng đường không chỉ khiến Dự án BOT cầu Thái Hà không thể thu phí, mà còn gây ra tình trạng mất trật tự an ninh và an toàn giao thông trên đoạn tuyến”, đại diện Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà bức xúc.

Cho đến sáng ngày 21/1, đại diện Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà vẫn xác nhận với phóng viên Báo Đầu tư rằng, việc thu phí hoàn vốn cũng như lưu thông qua cầu Thái Hà vẫn chưa thể tái lập. Ông Ý cho biết thêm là đã báo cáo vụ việc tới Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhờ gây sức ép với UBND tỉnh Thái Bình sớm nối lại việc thu phí tại trạm BOT cầu Thái Hà.

Trước đó, vào ngày 28/12, trong vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ GTVT đã có Công văn số 14723/BGTVT - TC cho phép Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà được tổ chức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tại Trạm BOT cầu Thái Hà (Km 5+539 điểm cuối Dự án thuộc địa phận xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) kể từ 0h 10/1/2019 để hoàn vốn đầu tư cho Dự án BOT cầu Thái Hà. Trong công văn này, Bộ GTVT khẳng định, cả UBND 2 tỉnh thuộc phạm vi Dự án là Thái Bình và Hà Nam đã thống nhất chủ trương việc triển khai hoạt động thu phí tại trạm BOT cầu Thái Hà.

Cần phải nói thêm rằng, theo thỏa thuận tại Hợp đồng số 11/BOT-BGTVT ngày 27/3/2015, khi Dự án cầu Thái Hà đưa vào khai thác, nhà đầu tư được phép thu phí dịch vụ đường bộ để chi trả các khoản chi đầu tư, lợi nhuận của nhà đầu tư. Với lãi suất vay đối với phần vốn vay ngân hàng vào khoảng 9%/năm, 2 năm phải dừng thu do đợi chờ tuyến đường kết nối thực sự là gánh nặng tài chính cho nhà đầu tư cầu Thái Hà.

Điều đáng nói là, không chỉ có nhà đầu tư bị mắc kẹt tại Dự án, Bộ GTVT với tư cách là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang phải xoay xở để xử lý tình huống phát sinh không mong muốn này.

Trước đó, để lường trước rủi ro khi các dự án kết nối không hoàn thành đồng bộ, Bộ GTVT và nhà đầu tư đã thỏa thuận: “Trường hợp tuyến kết nối phía Thái Bình và Hà Nam hoàn thành không đồng bộ với Dự án, Bộ GTVT có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền để hỗ trợ nhà đầu tư phần doanh thu bị ảnh hưởng theo phương án tài chính của Hợp đồng trong thời gian chưa thu phí nhưng không quá 24 tháng. Sau thời gian trên, các bên bàn bạc và thống nhất phương án dừng hợp đồng”.

Nguy cơ phá sản

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Dự án BOT cầu Thái Hà vượt sông Hồng đã được thông xe kỹ thuật từ tháng 11/2016 sau hơn 2 năm thi công. Hội đồng Nghiệm thu cấp Bộ đã chấp thuận và cho phép doanh nghiệp dự án đưa công trình vào khai thác từ ngày 3/4/2018. Đây là những điều kiện cần để Dự án BOT cầu Thái Hà có thể thu phí hoàn vốn theo hợp đồng ký kết với Bộ GTVT hồi tháng 3/2015.

Tuy nhiên, từ tháng 1/2017 đến nay, nhà đầu tư Dự án cầu Thái Hà đã liên tục xin Bộ GTVT chưa tiến hành thu phí và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án hỗ trợ nhà đầu tư, do doanh thu thu phí không đạt so với phương án tài chính.

Ông Nguyễn Đức Ý cho biết, sau khi tiến hành thông xe kỹ thuật (tháng 11/2016), Công ty đã đăng tải lên các phương tiện thông tin đại chúng quảng bá, giới thiệu nhằm thu hút nhân dân và doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, sau 1 năm tính từ ngày thông xe, lưu lượng xe qua cầu Thái Hà chỉ đạt 400 xe/ngày đêm (chủ yếu là xe nội vùng). Với lượng như vậy, nếu nhà đầu tư tổ chức thu phí đường bộ, thì chi phí tổ chức thu lớn hơn doanh thu (22 triệu đồng so với 14 triệu đồng/ngày đêm).

Đại diện nhà đầu tư Dự án BOT cầu Thái Hà cho biết, với vị trí liên kết tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, lưu lượng xe của Dự án cầu Thái Hà phụ thuộc phần lớn vào tiến độ xây dựng 2 tuyến nối do Sở GTVT Hà Nam và Sở GTVT Thái Bình làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, phải đến cuối năm 2018, khi hai tuyến đường nối hoàn thành, nhà đầu tư Dự án BOT Xây dựng cầu Thái Hà mới có đủ điều kiện để tổ chức triển khai thu phí hoàn vốn.

Cần phải nói thêm rằng, trong Công văn số 176/UBND - CTXDGT ngày 14/1/2019, về việc thu phí dịch vụ đường bộ Dự án BOT cầu Thái Hà, UBND tỉnh Thái Bình xác nhận với Bộ GTVT rằng, công trình tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam do tỉnh này quyết định đầu tư theo hình thức BT đã hoàn thành công tác xây dựng.

Nhà đầu tư mong lãnh đạo tỉnh chỉ đạo Sở GTVT Thái Bình làm rõ nguyên nhân, giải tỏa mọi sự cản trở, đảm bảo kết nối thông suốt, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân vùng Dự án.

“UBND tỉnh Thái Bình đang hoàn thiện các thủ tục theo quy định để chuyển giao từ nhà đầu tư về địa phương quản lý”, Công văn số 176 do ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình ký nêu rõ.

Theo ông Thăng, sau khi nhận được Công văn số 11473//BGTVT - ĐTCT ngày 11/10/2018 về việc thu phí cầu Thái Hà của Bộ GTVT, UBND tỉnh Thái Bình đã có Công văn số 3954/UBND - CTXDGT đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo nhà đầu tư, các đơn vị liên quan cung cấp thông tin và thống nhất với UBND tỉnh Thái Bình về phương thức trước khi triển khai thu phí. Tuy nhiên, đến nay UBND tỉnh Thái Bình vẫn chưa có các thông tin chính thức về việc thu phí cầu Thái Hà.

Nhà đầu tư mong lãnh đạo tỉnh chỉ đạo Sở GTVT Thái Bình làm rõ nguyên nhân, giải tỏa mọi sự cản trở, đảm bảo kết nối thông suốt, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân vùng Dự án.

“UBND tỉnh Thái Bình đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo nhà đầu tư tạm dừng thu phí cầu Thái Hà cho đến khi Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà thống nhất với địa phương về phương án triển khai thu phí cầu Thái Hà và nhà đầu tư thực hiện Dự án Tuyến nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình”, Công văn số 176 của UBND tỉnh Thái Bình nêu rõ.

Được biết, trong văn bản phản hồi gửi Bộ GTVT và UBND tỉnh Thái Bình, ngày 17/1/2019, lãnh đạo Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà khẳng định là đã thực hiện đầy đủ yêu cầu của chính quyền địa phương ngay sau khi nhận được Công văn số 3954/UBND - CTXDGT. Nhà đầu tư cho biết, họ có đầy đủ xác nhận của Bưu chính Viettel về việc đã gửi các thông tin về phương án khai thác như được yêu cầu tới các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình.

Liên quan đến yêu cầu của UBND tỉnh Thái Bình về việc tạm dừng thu phí cầu Thái Hà do Dự án BT Tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chưa được nghiệm thu bào giao, Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà khẳng định, “không phù hợp với quy định, gây khó khăn, làm phá vỡ phương án tài chính của Dự án BOT”.

Đại diện nhà đầu tư BOT cho biết, từ ngày 10/5/2018, nhà đầu tư đã tiến hành nghiệm thu thử nghiệm 24/24 giờ nhằm hoàn thiện quy trình vận hành, sơ đồ tổ chức. Trong quá trình thu thử nghiệm, doanh nghiệp dự án đã có băng rôn, biển hiệu, công khai giá vé thông báo cho các phương tiện qua trạm được biết. Cũng trong thời gian đó, tuyến đường bộ Dự án BT luôn được lưu thông bình thường, nhưng chỉ sau 1 ngày Dự án BOT cầu Thái Hà được Bộ GTVT chấp thuận cho thu phí, Dự án BT tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình lại lập tức cấm đường.

“Nhà đầu tư mong lãnh đạo tỉnh chỉ đạo Sở GTVT Thái Bình làm rõ nguyên nhân, giải tỏa mọi sự cản trở, đảm bảo kết nối thông suốt, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân vùng Dự án”, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Thái Hà kiến nghị.

Dự án Đầu tư xây dựng cầu Thái Hà có tổng vốn đầu tư 1.671,765 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu: 245,95 tỷ đồng, tương đương 14,71%; vốn vay tín dụng: 1.425,815 tỷ đồng, tương đương 85,29%, Ngân hàng cho vay là ViettinBank. Thời gian thu phí dự kiến: 16 năm 7 tháng.

Xem thêm

Anh Minh