Hiệp định ASEAN về Di chuyển Thể nhân
Thông tin cơ bản về Hiệp định ASEAN về Di chuyển Thể nhân (MNP)
Thời gian kí: 19/11/2012
Địa điểm: Phnom Penh, Campuchia
Mục tiêu dỡ bỏ đáng kể các rào cản đối với việc di chuyển tạm thời qua biên giới của các thể nhân tham gia vào thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa các nước ASEAN.
Trên thực tế, những cam kết của Việt Nam trong Hiệp định MNP cơ bản phù hợp với những qui định pháp luật hiện hành của Việt Nam về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài và các qui định về tuyển dụng, quản lí người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Phạm vi áp dụng Hiệp định ASEAN về Di chuyển Thể nhân
Hiệp định này áp dụng đối với các qui định ảnh hưởng tới việc di chuyển tạm thời qua biên giới của thể nhân một nước ASEAN sang lãnh thổ của nước ASEAN khác trong các trường hợp:
- Khách kinh doanh
- Người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp
- Người cung cấp dịch vụ theo hợp đồng
- Một số trường hợp khác qui định cụ thể trong Biểu lộ trình cam kết về Di chuyển thể nhân của mỗi nước đính kèm theo Hiệp định này.
Hiệp định không áp dụng đối với các qui định của một nước ASEAN liên quan tới việc hạn chế tiếp cận thị trường lao động của người lao động các nước ASEAN khác.
Việc mở cửa thị trường lao động của mỗi nước chỉ áp dụng cho các ngành nghề được qui định cụ thể trong Biểu lộ trình cam kết của nước đó và thuộc một trong 4 trường hợp trên.
Những lợi ích đối với thị trường lao động Việt Nam
- Tạo việc làm cho người lao động có tay nghề trong ASEAN.
- Lao động không có kĩ năng sẽ không được di chuyển tự do, cho nên qui định về di chuyển tự do lao động có kĩ năng giữa các nước ASEAN tạo ra một phân khúc thị trường lao động khá hẹp và có sự sàng lọc đáng kể đối với lao động di chuyển.
- Lợi ích thu được của các quốc gia từ việc di chuyển này sẽ gia tăng rất lớn vì lao động có kĩ năng cạnh tranh, tạo khả năng nâng cao năng suất lao động, cải thiện đáng kể chất lượng công việc cũng như làm giảm chi phí lao động có kĩ năng.
- Tạo áp lực để các nước thành viên hoàn thiện thể chế, điều chỉnh chính sách, qui định cũng như các đạo luật khác trước hết để thích nghi đồng bộ với qui định về lao động của các nước trong ASEAN.
- Việc AEC ra đời sẽ thúc đẩy những sự đổi mới trong giáo dục và đào tạo.
Những yếu tố ảnh hưởng đến sự dịch chuyển của lao động Việt Nam
1. Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp.
Theo đánh giá của Tổ chức Lao động thế giới, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 15 lần so với Singapore, bằng 1/5 năng suất lao động của Thái Lan và Malaysia.
Đây là yếu tố làm giảm khả năng hấp dẫn lao động Việt Nam trước các nhà tuyển dụng nước ngoài, thậm chí là khía cạnh để các nhà tuyển dụng tăng tính khắt khe trong yêu cầu đối với lao động Việt Nam.
2. Trình độ chuyên môn kĩ thuật của lao động Việt Nam chưa đồng đều
Tỉ trọng của trình độ chuyên môn kĩ thuật còn thấp dưới 50% tổng số lao động cùng với chỉ số phát triển con người (HDI) khá thấp so với các nước ASEAN 6 và không cao hơn nhiều so với các nước Campuchia, Lào, Myanmar. Chỉ số HDI của Việt Nam là 0,638 trong khi của Singapore là 0,901 và Myanmar là 0,524.
3. Sự chuẩn bị kiến thức, kĩ năng và thái độ cũng như trạng thái tâm lí để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN chưa cao. Ngoài ra, vấn đề kỉ luật lao động, ý thức tuân thủ pháp luật cũng như cường độ lao động cũng cần có sự phân tích và nhận dạng đúng để có giải pháp khắc phục.
4. Lao động Việt Nam có nhiều phẩm chất tốt như chăm chỉ, học hỏi nhanh, nhưng nhìn chung kỉ luật lao động chưa cao và khả năng ngoại ngữ thấp.
Chi tiết về Hiệp định ASEAN về Di chuyển Thể nhân