|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hết tháng 7/2017, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ở mức 2,51%

16:34 | 06/10/2017
Chia sẻ
Tính đến cuối tháng 7/2017, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ở mức là 2,51% tăng nhẹ so với mức cuối năm 2016 là 2,46% và thấp hơn so với mức 2,55% cuối năm 2015. Tổng số nợ xấu xử lý được trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 46,03 nghìn tỷ đồng.
het thang 72017 ty le no xau toan he thong o muc 251
Hết tháng 7/2017, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ở mức 2,51% (Ảnh minh hoạ)

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), trong năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017, NHNN tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu, thúc đẩy phát triển thị trường mua, bán nợ.

Cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống là 2,46% và đến cuối tháng 7/2017 là 2,51% (thấp hơn so với mức 2,55% cuối năm 2015). Tổng số nợ xấu xử lý được trong năm 2016 đạt 118,5 nghìn tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2017 đạt 46,03 nghìn tỷ đồng.

Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD cũng đã được bắt đầu được triển khai thí điểm tại 6 TCTD gồm BIDV, VietinBank, Agribank, Sacombank, ACB, Techcombank. Các TCTD đang chủ động xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu cho giai đoạn 2017 - 2022. Trong đó, bám sát việc triển khai các cơ chế và biện pháp quy định tại Nghị quyết để thống nhất với các giải pháp được nêu tại phương án cơ giai đoạn 2016 - 2020.

Trong thời gian qua, NHNN cũng triển khai tích cực về việc áp dụng Basel II tại Việt Nam. NHNN cho biết cũng đang nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực vốn Basel II. Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2018 có 10 ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước thực hiện từ phương pháp tiêu chuẩn trở lên theo Basel II và các NHTM trong nước khác thực hiện từ phương pháp cơ bản trở lên theo Basel II. Đồng thời, kiểm soát và duy trì nợ xấu ở mức dưới 3%.

Cùng với đó, NHNN đã tham mưu Chính phủ ban hành một số văn bản pháp luật liên quan đến việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC); việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC và quy định về các tỷ lệ khoản thu của VAMC đối với khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt.

Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành một số Thông tư quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD; tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; việc xếp hạng quỹ tín dụng nhân dân;…

Ngoài ra, để nâng cao vai trò của VAMC, phát huy tính chủ động vào nhiệm vụ xử lý nợ xấu của toàn ngành Ngân hàng, hiện NHNN đang tập trung chỉ đạo VAMC khẩn trương hoàn thiện Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực hoạt động của VAMC giai đoạn 2017 – 2020 và hướng tới 2022 theo chỉ đạo của Chính phủ.

het thang 72017 ty le no xau toan he thong o muc 251 Lộ diện 6 ngân hàng được chọn thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42

6 ngân hàng gồm Sacombank, ACB, BIDV, Techcombank, VietinBank và Agribank được chọn thực hiện thí điểm Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu.

Diệp Bình