Lộ diện 6 ngân hàng được chọn thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lựa chọn ra 6 tổ chức tín dụng thực hiện thí điểm Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu. Cụ thể 6 ngân hàng thí điểm gồm Sacombank, ACB, BIDV, Techcombank, VietinBank và Agribank.
Đây đều là những ngân hàng có khối lượng nợ xấu lớn trong hệ thống. Trong đó xét về nợ bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý Tài sản của các Tổ chức Tín dụng Việt Nam (VAMC), Agribank đứng đầu, kế đến là Sacombank.
Việc thí điểm nhằm tập trung triển khai một cách toàn diện, quyết liệt và hiệu quả các chính sách cho phép xử lý nợ xấu, xác định mục tiêu lộ trình triển khai cho từng năm cũng như báo cáo các vướng mắc, đề xuất các Bộ, ngành hoàn thiện văn bản hướng dẫn xử lý nợ xấu.
Đây được xem là động thái tạo nền tảng tạo khung hành lang pháp lý để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Ông Nguyễn Minh Hoàng - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM đánh giá, việc thí điểm 6 ngân hàng thực hiện Nghị quyết 42 tạo điều kiện cho NHNN thấy được những mặt mạnh, mặt yếu, những hạn chế. Từ đó, đề ra các cơ chế, chính sách, bước đi và lộ trình triển khai Nghị quyết 42 đạt hiệu quả cao nhất.
Riêng trên địa bàn TP HCM, ông Hoàng cho biết, các tổ chức tín dụng trong thời gian qua sử dụng nhiều biện pháp như trích lập dự và sử dụng quỹ phòng rủi ro, thu hồi nợ bằng tiền của khách hàng, bán tài sản đảm bảo, bán cho VAMC.
Hết tháng 9, TP HCM tăng trưởng tín dụng 12,41%, nợ xấu 3,9% |
Tuy nhiên vẫn gặp phải hành lang pháp lý khó khăn để xử lý tài sản đảm bảo và bán khoản nợ cho VAMC. Theo ông Hoàng, giai đoạn qua việc bán tài sản xho VAMC chưa đủ cơ sở pháp lý để xử lý các khoản nợ. Ông dẫn lời của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh: “Việc xử lý chỉ mới yên chứ chưa có ổn”, bởi ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu bán cho VAMC.
“Điều này tạo điều kiện cho nợ xấu vẫn còn âm ỉ và tác động tiêu cực đến hoạt động các ngân hàng”, ông Hoàng đánh giá.
Bên cạnh đó, việc bán tài sản đảm bảo gặp rất nhiều khó khăn về pháp lý khi thông qua các cơ quan tố tụng, tòa án, cơ quan thi hành án… mất rất nhiều thời gian. Nhiều khoản nợ xấu xử lý 10 - 20 năm vẫn chưa xong, đơn cử như những khoản nợ xấu từ vụ Epco-Minh Phụng đến nay vẫn còn.
Những khoản nợ phải xử lý trong 3-5 năm là chuyện phổ biến, do đó, với nỗ lực của ngân hàng nhà nước, tranh thủ sự đồng tình của Chính phủ, Quốc hội để cho ra đời Nghị quyết 42.
Nhờ đó, cho phép các ngân hàng giải quyết được nhiều bất cập trong quá trình xử lý nợ xấu. Thông qua Nghị quyết 42, cho phép các tổ chức tín dụng chủ động hơn trong việc bán các tài sản đảm bảo. Đồng thời hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ theo xu hướng phát triển của nền kinh tế thị trường, giúp tổ chức tín dụng kiểm soát nợ xấu mới phát sinh.
Với việc được chọn thí điểm, ACB cho hay đã ban hành quy định triển khai nghị quyết trên toàn hệ thống; điều chỉnh các văn bản có liên quan đến việc thu giữ, khởi kiện, bán nợ …cho phù hợp với Nghị quyết; đẩy mạnh các lớp đào tạo liên quan đến nội dung nghị quyết cho lãnh đạo các cấp và nhân viên ACB; thông báo đến khách hàng việc sẽ áp dụng triển khai hình thức xử lý nợ theo Nghị quyết; và làm việc với các đối tác về việc mua bán nợ của ACB theo Nghị quyết. ACB ghi nhận những phản hồi, những khó khăn vướng mắc phát sinh khi triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 trên thực tế để báo cáo kịp thời cho Ngân hàng Nhà nước. |