Heo sạch được đặt cọc... tận chuồng
Người chăn nuôi heo sạch đang có nhiều cơ hội trong thời điểm dịch bệnh tạm lắng, heo lên giá (Ảnh: Nguyễn Thủy)
Chúng tôi về huyện Thống Nhất, một trong những địa phương có tổng đàn heo lớn nhất của tỉnh Đồng Nai với trên 380 ngàn con, trong đó có 30 tổ hợp tác chăn nuôi heo sạch theo quy trình VietGAHP với gần 400 hộ, trong đó đã có 23 tổ hợp tác (THT) đã được cấp chứng chỉ.
Heo sạch dễ bán
Ông Vũ Viết Đệ, Tổ trưởng Tổ hợp tác GAHP 1 tại xã Gia Tân 2 cho biết, trong thời điểm xảy ra dịch tả heo Châu Phi ở các tỉnh phía Bắc thì người nuôi heo có chứng chỉ "sạch" vẫn tiêu thụ được, tuy giá có giảm theo mặt bằng chung của thị trường.
Theo ông Đệ, các hộ chăn nuôi tham gia vào chuỗi liên kết nuôi heo sạch sẽ tồn tại tốt vì họ cùng phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn. Tại đây, các THT VietGAHP sẽ là cầu nối để các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dễ dàng tiếp cận kỹ thuật, công nghệ mới trong chăn nuôi cũng như liên kết được với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ.
Trước đây, khi giá heo thị trường ở mức thấp thì vẫn còn xảy ra một số khó khăn trở ngại như: giá heo có chứng chỉ VietGAHP bán ra không cao; heo xấu thì phía công ty thu mua không mua gây thiệt thòi cho người chăn nuôi.
Trái lại, khi heo ở vào thời điểm dịch bệnh thì người tiêu dùng lại chú ý đến heo sạch dẫn đến thị trường tiêu thụ khá thuận lợi. Tuy nhiên, lúc này thì tổng đàn heo trong dân lại không đáng kể do người chăn nuôi bán non, bán tháo vì tâm lý sợ dịch bùng nổ.
Ông Nguyễn Văn Thể, một thành viên của THT Gahp 1 đang nuôi gần 100 heo nái, ngoài ra còn có 300 heo thịt, 500 heo con (tính tròn - PV). Ông cho biết, trại của ông tham gia dự án VietGAHP từ năm 2017. Hai năm trước, heo rớt giá nên người chăn nuôi sạch hay không sạch cũng đều lỗ te tua hết. Dù heo sạch chi phí có cao hơn do phải kê khai, tiêu độc khử trùng xử lý chuồng trại, thức ăn phải có nguồn gốc rõ ràng, tiêm phòng vacxin đầy đủ... "Mới đây, người bên Cty Thy Thọ hợp đồng thu mua xuống trại tôi ứng tiền đặt cọc trước để vài hôm nữa bắt khoảng 70 - 80 con được tính theo giá của từng thời điểm", ông Thể nói.
Thay đổi tư duy
Theo ông Lã Văn Hùng (PCT UBND xã Gia Tân 2), địa phương hiện có 9 tổ THT nuôi heo sạch hoạt động hiệu quả. Nhờ sự hỗ trợ dự án Lifsap ở địa phương và sự hưởng ứng của các hộ dân chăn nuôi trong việc thực hiện tốt quy trình VietGAHP được thể hiện qua việc tổ chức các buổi tập huấn, đầu tư hỗ trợ trang thiết bị chăn nuôi cho người dân, đến nay đã có 6 THT có chứng chỉ. Các THT này đã ký kết hợp đồng bán heo sạch cho Cty Anh Hoàng Thy, Cty Thy Thọ nên không sợ bị ép giá.
"Chúng tôi thường xuyên xây dựng kế hoạch mở lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý cho các tổ trưởng THT, giám đốc HTX. Ngoài ra, còn tập huấn, đào tạo cán bộ về tác động môi trường của sản xuất chăn nuôi, quản lý chất thải. Hiện, ở xã đã có một điểm giết mổ tập trung theo quy trình VietGAHP với số lượng đạt khoảng 200 con heo/ngày đêm", ông Hùng chia sẻ.
Theo tìm hiểu chúng tôi, hiện nay 1 con heo giống 20kg có giá khoảng 2,1 - 2,3 triệu đồng. Với những hộ nuôi nhỏ lẻ phải mua con giống về nuôi, sau khi trừ mọi chi phí, hao hụt thì dù giá heo hơi có trên 45 ngàn đồng/kg cũng chẳng còn mấy đồng lời, khó thể cạnh tranh lại các trang trại lớn có giá thành chăn nuôi thấp hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, trong thực tế nhiều hộ chăn nuôi vẫn phải bám nghề vì đây là nguồn thu nhập chính của cả gia đình. Bởi vì, đa số người chăn nuôi phần lớn đều ở tuổi trung niên rất khó chuyển đổi sang nghề nghiệp khác.
Vì vậy, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ buộc phải thay đổi tư duy, chịu khó học hỏi về kinh nghiệm, kỹ thuật mới để tồn tại được trước cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Theo đó, khi vào chuỗi liên kết chăn nuôi sạch, được ký kết hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp có đầu ra ổn định, đang là lối ra cho chăn nuôi hộ gia đình sẽ không còn manh mún như trước đây...