|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Heo có chứng nhận vẫn đang bán tốt

14:40 | 05/07/2019
Chia sẻ
Hàng loạt các siêu thị tại TP.HCM đều khẳng định, thịt heo có chứng nhận VietGAP, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng đều được bán rất tốt trên toàn hệ thống của họ.

Thậm chí có hệ thống siêu thị, lượng thịt heo tiêu thụ hàng ngày còn tăng hơn lúc dịch ASF chưa xuất hiện…

Saigon Co.op: Bán 50 tấn thịt heo/ngày

Theo Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), hệ thống bán lẻ của đơn vị này gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food trên cả nước chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh ASF, sức tiêu thụ thịt heo của hệ thống bán lẻ này vẫn duy trì ở mức tiêu thụ trung bình và tăng nhẹ vào các ngày cuối tuần.

Heo có chứng nhận vẫn đang bán tốt - Ảnh 1.

Người tiêu dùng lựa chọn thịt heo VietGap tại siêu thị của Saigon Co.op.

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, nguồn thịt heo đang bán tại hệ thống của Saigon Co.op trên cả nước chủ yếu được nhập hàng trực tiếp từ các đầu mối uy tín hàng đầu Việt Nam như Vissan, Nam Phong, Anh Hoàng Thy, SagriFood… hầu hết thịt heo từ các nguồn này đều đạt tiêu chuẩn VietGAP và có truy xuất nguồn gốc từ các trang trại tập trung quy mô lớn được cách ly và tiêu độc khử trùng nghiêm ngặt.

“Khi bắt đầu có dịch xảy ra tại phía Bắc, mức tiêu thụ thịt heo tại hệ thống tăng từ 40 - 50 tấn/ngày lên đến 60 - 70 tấn/ngày. Khi dịch xảy ra tại TP.HCM, thì mức tiêu thụ có giảm, tuy nhiên mức tiêu thụ hiện nay ổn định ở 50 tấn/ngày.

Saigon Co.op áp dụng hàng loạt biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát nguồn thịt heo, tăng tần suất giám sát trực tiếp quy trình tiếp nhận và giết mổ.

Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng tổ chức kiểm tra đột xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm bất ngờ tại các siêu thị để đảm bảo nguồn thịt heo an toàn khi bán đến tay người tiêu dùng”, ông Kiên nói.

LOTTE Mart: Vẫn bán thịt heo trong nước bình thường

Còn tại hệ thống LOTTE Mart, chị Mai Kiều Nga, phụ trách thu mua thịt tại hệ thống cho biết, sản lượng thịt heo bán ra tại LOTTE Mart vẫn đang duy trì ở mức ổn định. Để ứng phó với tình trạng dịch bệnh, LOTTE Mart đã sớm phối hợp với nhà cung cấp trong việc quản lý và kiểm soát tình hình chăn nuôi.

Ở LOTTE Mart, thịt heo được lấy từ các trang trại của các công ty uy tín, có chứng nhận đầy đủ. Ngoài ra, trong thời điểm này, các cơ quan thú y địa phương luôn kiểm tra nghiêm ngặt các công đoạn bắt heo từ trại, vận chuyển... đến quy trình giết mổ, mỗi lô hàng giao đều bắt buộc phải có giấy kiểm dịch thú y khi giao cho siêu thị theo quy định của nhà nước.

Ngoài ra, ở thời điểm giao hàng, bộ phận kiểm soát chất lượng đầu vào của LOTTE Mart sẽ kiểm tra lại một lần nữa về giấy tờ đi kèm, kiểm tra cảm quan của sản phẩm. Bộ phận này cũng sẽ tiến hành lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra nhanh, hoặc kiểm nghiệm tại cơ quan quy định nếu có nghi ngờ.

LOTTE Mart bám sát các chỉ đạo của cơ quan nhà nước về phòng chống dịch bệnh, lấy đó làm căn cứ để cùng với các cơ quan cùng hành động phòng chống dịch, đảm bảo chất lượng và sức khỏe người tiêu dùng.

Heo có chứng nhận vẫn đang bán tốt - Ảnh 2.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phầm từ thịt heo tại Lotte Mart (quận 7).

“Hiện tại, LOTTE Mart đã làm việc với các đối tác để đảm bảo sản lượng thịt heo trong nước, cũng như chuẩn bị sẵn các nguồn nhập khẩu thịt heo trong trường hợp biến động về sản lượng trên thị trường”, chị Kiều Nga thông tin.

Vissan: Mảng thịt tươi sống vẫn tăng trưởng

Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, mảng thực phẩm tươi sống của Vissan có tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

“Đó cũng là một thành công. Trong thời gian tới, Vissan sẽ có nhiều biện pháp cũng như nhiều chương trình để thúc đẩy người tiêu dùng tiêu thụ thịt heo cũng như các sản phẩm từ heo”.

Về vấn đề kiểm soát nguồn thịt heo tươi sống cũng như các sản phẩm từ heo, ông An chia sẻ, Vissan có liên kết với các trang trại từ Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai… và kiểm soát chặt chẽ tại các trang trại liên kết này.

Vissan yêu cầu các trang trại này đều phải thực hiện tất cả các biện pháp nghiêm ngặt để phòng tránh dịch, thường xuyên test kiểm tra mẫu. Kiểm soát tất cả các phương tiện, định vị các xe và các chứng nhận theo quy định của luật thú y khi heo được đưa về Vissan. Từ quy trình giết mổ cho tới sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng cũng được Vissan kiểm soát.

Cũng theo ông An, dịch bệnh ASF chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, còn đối với các trang trại lớn đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học không bị ảnh hưởng. Việc nguồn cung thịt heo trong thời gian tới không quá thiếu. Tuy nhiên, mức độ cung cầu có thể chênh lệch làm cho giá cả đẩy lên.

“Vissan cũng đã có chuẩn bị sẵn kịch bản khi tình huống xấu nhất xảy ra là nguồn cung thiếu, Vissan vẫn tiếp tục cung ứng cho thị trường tươi sống và dự trữ cấp đông nguồn thịt để sau này có những biến động còn có nguồn dự trữ để phục vụ cho chế biến và thực phẩm tươi sống”, ông An nói.


NGUYỄN THỦY - MINH SÁNG

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.