Hệ thống thanh toán tiền mặt ở Anh bên bờ vực sụp đổ
Sự trỗi dậy của công nghệ thanh toán không tiếp xúc đang thu hẹp "đất sống" của tiền mặt tại Anh. Ảnh: Money Observer
Các ngân hàng buộc phải đóng cửa nhiều chi nhánh và trụ ATM vì chi phí vận hành quá cao nhưng nguồn thu mang lại rất ít ỏi.Tờ Financial Times ngày 8-3 cho biết một báo cáo “Đánh giá tiếp cận tiền mặt” (Access to Cash Review) do cựu Tổng thanh tra Natalie Ceeney của Cơ quan Thanh tra tài chính Anh thực hiện, cảnh báo hệ thống hạ tầng tiền mặt ở Anh đang đứng trước nguy cơ sụp đổ khi số lượng các chi nhánh ngân hàng và các tụ ATM đóng cửa ngày càng gia tăng, trong khi đó ngày càng có nhiều nhà bán lẻ chuyển sang các phương thức thanh toán số hóa.
Trong 30 năm qua, hơn 2/3 các chi nhánh ngân hàng ở Anh đã phải đóng cửa và các khu vực nông thôn là những nơi bị tác động nặng nề nhất. Một báo cáo hồi năm ngoái của một tổ chức bảo vệ người tiêu dùng ghi nhận trung bình mỗi tháng, có 300 trụ ATM đóng cửa ở Anh. Link, tổ chức quản lý mạng lưới ATM ở Anh, cho biết 80% ATM hiện nay chỉ nằm cách xa nhau 300 mét, do vậy, chúng sẽ không thể hoạt động bền vững khi việc sử dụng tiền mặt giảm mạnh.
Hiện nay, trung bình chỉ có ba giao dịch bằng tiền mặt trong 10 giao dịch ở Anh, giảm so với tỉ lệ 6/10 cách đây 10 năm. Báo cáo “Đánh giá tiếp cận tiền mặt” dự báo trong vòng 15 năm tới, thanh toán bằng tiền mặt sẽ giảm về mức 10% tổng các giao dịch thanh toán ở Anh.
Người Anh, đặc biệt là giới trẻ, chuộng sử dụng các phương thức thanh toán bằng công nghệ tiếp xúc hoặc các ứng dụng di động vì tính tiện lợi của chúng. Các nhà bán lẻ cũng không muốn giữ nhiều tiền mặt để tránh các rủi ro bị cướp.
Đối với chính phủ Anh, giảm bớt các giao dịch tiền mặt sẽ giúp hạn chế các giao dịch phi pháp và trốn thuế.
Theo báo cáo “Đánh giá tiếp cận tiền mặt”, trong năm 2017, số lượng các giao dịch bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ lần đầu tiên vượt số lượng các giao dịch bằng tiền mặt nhờ sự trỗi dậy của công nghệ thanh toán không tiếp xúc, cho phép thực hiện các giao dịch thanh toán bằng cách vẫy hoặc chạm thẻ qua một đầu đọc thẻ thanh toán ở máy tính tiền POS thay vì quẹt thẻ.
Báo cáo nói rằng với tốc độ suy giảm thanh toán tiền mặt tiếp tục duy trì như mức hiện tại, việc sử dụng tiền mặt ở Anh sẽ gần như chấm dứt vào năm 2026.
Nhiều người già, người nghèo và người khuyết tật ở Anh chưa sẵn sàng ứng phó khi tiền mặt không còn được chấp nhận rộng rãi. Bà Natalie Ceeney cho rằng khoảng 17% dân số Anh (hơn tám triệu người) sẽ gặp nhiều khó khăn trong một xã hội phi tiền mặt. Người dân ở các khu vực nông thôn, vốn không có dịch vụ internet băng thông rộng đáng tin cậy, sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất một khi họ không thể rút tiền mặt ở các ATM và không được chấp nhận thanh toán tiền mặt trong các giao dịch hàng ngày.
Một cuộc khảo sát cuối năm ngoái cho thấy tiền mặt vẫn đóng vai trò thiết yếu về mặt kinh tế đối với 25 triệu người ở Anh. Gần 50% người tham gia cuộc khảo sát này nói rằng một xã hội phi tiền mặt sẽ gây khó khăn cho họ.
Báo cáo “Đánh giá tiếp cận tiền mặt” kêu gọi chính phủ Anh và các cơ quan quản lý cần phải vào cuộc khẩn cấp để bảo đảm “con đường sống” cho tiền mặt bằng cách duy trì sự tiếp cận tiền mặt đối với những người dân ở các khu vực nông thôn.
Báo cáo cũng kêu gọi các công ty và các tổ chức đang cung cấp các dịch vụ thiết yếu chẳng hạn các siêu thị, các công ty điện lực, phải bị bắt buộc cho phép khách hàng thanh toán bằng tiền mặt.
Phản ứng trước báo cáo trên, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cho biết sẽ phát triển một hệ thống phân phối tiền mặt mới.
Sarah John, một lãnh đạo của BoE, nói: “Chúng tôi cam kết duy trì tiền mặt. Dù việc sử dụng tiền mặt đang suy giảm, nhiều người dân vẫn thích sử dụng tiền mặt. Điều quan trọng là mọi người có quyền lựa chọn phương thức thanh toán”.