|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hãy chọn cả cá và thép

09:30 | 30/01/2017
Chia sẻ
Trò chuyện với Lao Động Xuân Bắc Miền Trung, GS.TS Nguyễn Thế Chinh (ảnh), Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Sau sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung do Công ty thép Formosa của Đài Loan gây ra, cần có cách tiếp cận khác với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng tới cả yếu tố xã hội và môi trường.
hay chon ca ca va thep
GSTS Nguyễn Thế Chinh

Thưa ông, sự cố Formosa để lại bài học gì?

-Đó là một sự cố khiến chúng ta phải xem lại toàn bộ cách đối xử giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Luật Môi trường đã có từ năm 1994 và đã trải qua 3 lần sửa đổi vào các năm 2005, 2014. Trước kia sự cố Công ty Vedan xả thải ra sông Thị Vải đã gây nhiều bức xúc, nhưng chúng ta không rút được bài học kinh nghiệm ngay, để đến năm 2016 lặp lại nghiêm trọng hơn là điều đáng tiếc, và phần nào cho thấy rõ một điều từ xưa là không thể đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế.

Từ bài học đó chúng ta phải rút ra nguyên nhân từ đâu, khi mà luật có rồi. Câu chuyện này liên quan đến cách quản lý của chúng ta liệu vẫn nặng về kinh tế chăng, liệu có sơ hở trong giám sát, và vì sao quanh đi quẩn lại là doanh nghiệp liên quan đến Đài Loan, Trung Quốc, mà không có doanh nghiệp Nhật Bản, Bắc Mỹ, châu Âu trong khi họ đầu tư nhiều? Từ đó phải rút kinh nghiệm ngay, khi từ cấp phép đầu tư phải biết họ thế nào, lịch sử ra sao… để có sự thận trọng. Chúng ta phải xem lại cách quản lý của mình, sàng lọc từ khi đầu tư. Giờ nước mình không còn là nước kém phát triển nữa mà là nước thu nhập trung bình, và đây là cơ hội để xem lại làm sao phát triển kinh tế mà vẫn bảo vệ môi trường.

Rất may Chính phủ đã công bố biển sạch trở lại và đang có nhiều biện pháp an dân. Nhưng, như ông nói, cơ hội nhìn nhận lại giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường cho miền Trung là gì?

hay chon ca ca va thep

Biển Mỹ Khê (Đà Nẵng)

-Khi công bố biển sạch nghĩa là phải có thông số kỹ thuật đo lường, không thể bâng quơ. Dọc bờ biển đã có hệ thống quan trắc, tại nhà máy của Formosa là quan trắc hàng ngày và tự động, số liệu cung cấp cho thấy biển sạch thì điều đó là đúng. Nhưng nếu giám sát không chặt, nếu có sự cố gì thì không thể nói tuyệt đối được. Có vấn đề gì xảy ra, ta có quyền xử lý theo luật, họ đã cam kết rồi.

Một điều nữa là do cách nhìn nhận, nếu nhìn nhận đúng, bản thân chất thải của họ có thể là nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế, chẳng hạn lấy xỉ làm gạch, nước thải lọc lại, khí thải SO2 tạo ra acid. Hướng mới của các nền kinh tế thế giới là nền kinh tế tuần hoàn, lấy chất thải của ngành kinh tế này làm đầu vào cho ngành kinh tế khác. Phải áp dụng tư tưởng, cách nhìn nhận mới, chứ không phải cách cũ, chất thải cứ thải ra môi trường.

Ở miền Trung, nhiều vùng phát triển nông nghiệp không hề thuận lợi, phải chọn du lịch, công nghiệp sạch, lựa chọn hướng phát triển khôn khéo hơn, giải quyết hài hòa những vấn đề xã hội, công ăn việc làm, thu nhập cho dân. Những nước phát triển nhất hiện nay như Nhật, châu Âu cũng trả giá rồi, ta không lấy bài học đó là đáng tiếc, cứ quay lại con đường họ đã đi thì luôn đi sau họ. Muốn phát triển nhanh, kịp xu thế chung thì phải có cách nhìn nhận mới, phát triển hài hòa với xã hội và môi trường.

Vậy với câu hỏi, chọn thép hay chọn cá, theo ông câu trả lời sẽ là…?

-Chọn cả hai, mới là thông minh. Kinh tế hay môi trường, môi trường hay kinh tế, hay là kinh tế và môi trường? Chúng ta phải giải quyết cả hai, không thể chọn con đường nào hơn cả. Chúng ta đi sau các nước, muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải chọn cả hai. Kinh tế mà gây ô nhiễm thì chọn ngành kinh tế khác. Formosa tiếp tục gây ô nhiễm, dừng luôn, chọn đối tác khác. Và phải có cách tiếp cận khác.

Thiệt hại nhất trong sự cố này là ngư dân 4 tỉnh miền Trung. Bài học trong việc ứng xử với ngư dân từ sự cố này là gì để người dân thấy rằng, họ thực sự được quan tâm như một lực lượng bám biển?

-Nói chính xác thì thiệt hại chủ yếu là ngư dân đánh bắt gần bờ, còn người đánh bắt xa bờ thì không ảnh hưởng nhiều. Song hãy luôn nhớ, trên biển ai là người bảo vệ chủ quyền hàng ngày? Chính là ngư dân. Xét về mặt xã hội, sự cố môi trường biển năm qua không chỉ là vấn đề ô nhiễm, mất đa dạng sinh học, mà còn là vấn đề an ninh quốc gia, bám biển, canh giữ trên biển. Cần tạo cơ hội cho ngư dân quay lại nghề, xử lý sớm mọi vấn đề, làm biển sạch, khôi phục hệ sinh thái cho tôm cá trở lại bình thường, san hô, cỏ biển phát triển trở lại, thì người dân sẽ ra biển.

Chứ không phải hô hào là họ ra. Bao lâu nay người dân hướng mặt ra biển, nhưng sự cố khiến họ quay lưng, giờ phải làm sao để họ lại hướng mặt ra biển. Người dân thiệt hại phải được hết sức quan tâm. Chính phủ, các bộ ngành tạo điều kiện cho người dân, tài trợ cho họ trang bị lại tàu thuyền, làm nghề, đảm bảo môi trường như trước cho người dân yên tâm để họ quay lại với nghề. Và không chỉ duy trì trở lại mà phải chứng minh cho dân là ta rút kinh nghiệm tốt hơn, cá tôm đánh bắt hàng loạt thì giờ nghiêm ngặt hơn, chọn hướng phát triển kinh tế phù hợp hơn…

Nhìn rộng ra bức tranh kinh tế biển miền Trung, tại sao chúng ta chưa phát huy được thế mạnh của hàng trăm km bờ biển khu vực này, thưa ông?

-Về chiến lược, chính sách của nhà nước về phát triển kinh tế biển là rõ rồi, song hiện giờ đóng góp từ kinh tế biển mới chiếm 23%, mục tiêu phải đẩy lên khoảng 60%. Chúng ta có hơn 3.000km bờ biển, diện tích biển gấp 3 lần lãnh thổ. Vậy tại sao chưa khai thác được thế mạnh đó? Theo tôi, thứ nhất, với quy hoạch tổng thể phát triển biển, nhất là địa phương có biển, chưa thấy rõ lợi ích mang lại. Hạ tầng rất quan trọng, nhưng chưa tạo ra được hạ tầng, cảng biển, nhiều nơi cảng cá còn chưa có. Khai thác kinh tế biển phải có cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, từ khai thác hải sản, du lịch, khoáng sản đáy biển. Nhận thức về vai trò của kinh tế biển cũng là vấn đề, làm sao tuyên truyền để có cách đào tạo bồi dưỡng con người.

Ngoài ra phải có quy hoạch khả thi, dài hạn, chưa có tiềm lực thì kết nối bên ngoài thế nào được. Miền Trung phải có cách phát triển không thể giống miền Bắc hay miền Nam được. Chắc chắn biển miền Trung nên đi vào dịch vụ là chính, không thể như miền Nam khai thác khoáng sản, khai thác dầu. Ưu thế biển miền Trung thì phát triển dịch vụ du lịch là tốt nhất. Bên cạnh đó cần khai thác tốt dịch vụ tàu biển, dịch vụ kinh tế ven biển, tạo ra kết nối quốc tế. Thứ ba là phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản là thế mạnh của chúng ta.

Bên cạnh đó, phải xem lại chiến lược phát triển, cái gì tốt cái gì chưa, xác định được thế mạnh trong từng vùng, có sự kết nối liên kết, không cát cứ. Quan trọng nữa là phát triển thể chế. Cần tập trung vào một số điểm, vùng nào cần xác định ưu tiên để phát triển bài bản, từ đó mới lan tỏa ra. Liên kết vùng ven biển miền Trung hiện nay chưa tốt, cần phá vỡ tính cát cứ, xây dựng hạ tầng giao thông, cảng biển để kết nối...

Nguyễn Thế Chinh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.