'Hạt tiêu' Tín Thành Group và ông chủ bí ẩn Trần Đình Quyền
Tín Thành Group - một doanh nghiệp Việt Nam ít tên tuổi bất ngờ ngỏ ý muốn thâu tóm 55% vốn cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Theo thông tin công ty này đăng tải, Tín Thành Group đang cung cấp năng lượng từ nhiên liệu tái tạo (mà cụ thể là lò hơi công nghiệp) cho hơn 30 nhà máy lớn và cơ sở công nghiệp tại Việt Nam.
Ngoài ra, cũng theo Tín Thành, công ty này còn cung cấp năng lượng tái tạo thay thế năng lượng dùng nhiên liệu hóa thạch cho 21 nhà máy sản xuất Ethanol tại tiểu bang Minnesota (Hoa Kỳ).
Tín Thành Group cũng công bố sở hữu Ngân hàng Tín Thành Oakwook Bank Corp (ngân hàng hơn 100 tuổi và bé nhất nước Mỹ với 1 văn phòng và hơn 20 nhân viên), cùng với 1 nhà máy sản xuất - lắp ráp ôtô FIAT Chrysler Automobiles có trụ sở tại tiểu bang Florida.
Hình ảnh nhà máy lắp ráp ôtô FIAT Chrysler Automobiles (Ảnh: website Tín Thành Group) |
Công ty cũng cho biết đã ký biên bản hợp tác với Cuba, Mỹ, lên kế hoạch 2 triệu ha đất thuê tại 2 đất nước này nhằm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Hiện nay, Tín Thành còn hoạt động trong lĩnh vực bán chứng chỉ carbon, tái sản xuất rác thải thông nghiệp, v.v. Đây đều là những lĩnh vực khá lạ lẫm tại Việt Nam.
Tuy nhiên, càng tìm hiểu về công ty này, càng phát hiện ra nhiều điểm bất ngờ về Tập đoàn Tín Thành và vị chủ tịch công ty - ông Trần Đình Quyền.
Châu chấu 'nuốt' xe
Website Tín Thành khẳng định "Tín Thành Group hoạt động hơn 25 năm trong lĩnh vực môi trường, năng lượng và nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời là doanh nghiệp tiên phong trong việc sử dụng năng lượng tái tạo và giảm phát khí thải toàn cầu…".
Tuy nhiên, theo Cơ sở dữ liệu Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Tập đoàn Tín Thành tiền thân là Công ty TNHH Điện hơi Công nghiệp Tín Thành được thành lập năm 2009, với vốn điều lệ 100 tỷ đồng.
3 cá nhân góp vốn thành lập Công ty cũng rất đáng chú ý với vị Chủ tịch HĐTV là ông Trần Đình Anh Khoa (sinh năm 1987) góp 45 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Thanh Hiền góp 20 tỷ đồng và bà Nguyễn Lê Vy góp vốn 35 tỷ đồng. Hoạt động chính của công ty thời điểm đó là sản xuất nồi hơi công nghiệp, ngoài ra còn nhiều hoạt động khác tuy nhiên đều đăng ký không hoạt động tại trụ sở.
Các cá nhân góp vốn thành lập công ty Tín Thành năm 2009 |
Trong hai năm đầu, Tín Thành liên tục thay đổi tỷ lệ vốn góp của các thành viên, vốn điều lệ vẫn duy trì 100 tỷ đồng.
Đến tháng 11/2011, ông Trần Đình Quyền (sinh năm 1960) tiếp nhận toàn bộ phần vốn góp của ông Trần Đình Anh Khoa và một phần vốn góp của ông Nguyễn Thanh Quang để trở thành cổ đông lớn nhất, đồng thời nắm luôn vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên Tín Thành.
Từ thời điểm ông Quyền tiếp quản, Tín Thành liên tục tăng số lượng ngành nghề kinh doanh mà chủ yếu là ngành phụ, không hoạt động tại trụ sở, ngay cả ngành nghề kinh doanh chính sản xuất nồi hơi.
Đến tháng 1/2017, Tín Thành tăng vốn gấp đôi lên 200 tỷ đồng, còn lại 2 cá nhân là ông Quyền góp 160 tỷ và bà Nguyễn Thị Thanh Huyền góp 40 tỷ đồng.
Đến nay, Tín Thành Group trở thành doanh nghiệp hoạt động đa ngành, với các công ty thành viên như Công ty TNHH NL&NL TT Thuận Phát (thành lập năm 2010); Công ty TNHH Global Greentech (tháng 11/2012); Công ty TNHH TM DV XNK Trung Tín (năm 2016) và Công ty CP ĐHCN Tín Thành (tại Hoa Kỳ).
Các công ty này đều khá non trẻ, và chi nhau phụ trách các mảng kinh doanh chính của Tín Thành. Các công ty đều có cùng trụ sở với Tập đoàn tại số 71 Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM.
Phối cảnh Trụ sở Tín Thành Group (Nguồn: Tín Thành Group) |
Các chỉ số cơ bản của BSR đem so với vốn đăng ký kinh doanh của Tín Thành Group |
Trong khi đó, theo số liệu cập nhật cổ phần hóa, công ty BSR là doanh nghiệp lớn thứ 6 Việt Nam và có lợi nhuận được công bố đứng thứ 16. Bộ Công Thương đã phê duyệt giá trị doanh nghiệp BSR để cổ phần hóa là hơn 72 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,2 tỷ USD. Đây là giá trị doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Vốn đăng ký của Tín Thành chỉ tương đương với một công ty con trong hệ thống của BSR, và thậm chí vẫn còn kém rất xa so với khoản nộp ngân sách Nhà nước của BSR trong vòng 10 tháng đầu năm 2017.
Với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng, chưa rõ Tín Thành sẽ lấy tiền đâu để cụ thể hóa tham vọng sở hữu 55% vốn BSR.
Ông chủ bí ẩn Trần Đình Quyền và hàng loạt công ty đóng cửa
Người đứng đầu Tín Thành Group, ông Trần Đình Quyền, có nhiều hình ảnh chụp chung với các chính khách và người nổi tiếng.
Nguồn ảnh: Tín Thành Group |
Nhưng trong nước, thông tin về ông chủ Tín Thành Group khá ít ỏi. Theo thông tin hiếm hoi đăng trên báo Tiền Phong hồi cuối năm 2004, nhà máy rác Thủy Phương do Công ty Cổ phần Kỹ nghệ (ASC) của ông Quyền trực tiếp quản lý gây ô nhiễm khi đi vào vận hành.
Để làm rõ mối liên quan của nhân vật Trần Đình Quyền và công ty ASC mà báo Tiền Phong đề cập và ông Trần Đình Quyền - Chủ tịch Tập đoàn Tín Thành, chúng tôi đã liên hệ với cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Thông tin tra cứu cho biết, đứng tên Công ty Cổ phần Kỹ nghệ (ASC) là ông Trần Đình Quyền, số chứng minh nhân dân 023652xxx, trùng khớp với chứng minh nhân dân ông Trần Đình Quyền - Chủ tịch Tập đoàn Tín Thành.
Hiện tại, tình trạng của công ty ASC trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đang là "bị khóa".
ASC hiện tại đang trong tình trạng bị khóa (Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp) |
Còn theo thông tin trên Tổng cục Thuế, hàng loạt công ty mà ông Quyền đang đứng tên, thành lập trong giai đoạn từ năm 2011 - 2017, hầu hết đã ngừng hoạt động.
Danh sách các công ty mà ông Quyền đứng tên (Tổng cục thuế) |
Quay trở lại câu chuyện công ty ASC, trước đó ngày 14/10/2002, UBND TP Huế đã có Quyết định phê duyệt dự án cải tạo nhà máy sản xuất phân vi sinh từ rác thải sinh hoạt TP Huế do ASC lập.
ASC đã ký hợp đồng chuyển giao - xây dựng - cải tạo, vận hành nhà máy với công ty Môi trường và Công trình đô thị Huế. Theo đó, ASC có trách nhiệm đầu tư tiếp 8,71 tỷ đồng cho các hạng mục nhằm đảm bảo xử lý 45.000 tấn rác/năm; xử lý nước rỉ rác tại bãi rác Thuỷ Phương và 10.000 tấn phân hầm cầu/năm; đảm bảo vệ sinh môi trường đúng quy định...
Thế nhưng, sau 2 năm, lượng rác tiếp nhận xử lý của nhà máy đạt chưa đầy 30% công suất, mà thậm chí còn không xử lý hết.
“Phân vi sinh làm ra không đảm bảo chất lượng, lẫn nhiều tạp chất. Phân hầm cầu không thể tiếp nhận xử lý. Nước rỉ rác chảy tràn khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Bên trong nhà máy, hầu hết đã trở thành bãi rác lộ thiên, mùi xú uế theo gió phát tán lung tung. Dân chúng sở tại buộc phải làm đơn kêu cứu đến chính quyền địa phương nhờ can thiệp...” báo Tiền Phong viết trong bài "Nhà máy hay bãi rác lộ thiên" đăng tải ngày 23/12/2004.
Sau đó, ông Quyền tiếp tục sáng tạo ra công nghệ Seraphin sản xuất vật liệu có ích từ rác thải, gọi truyền hình làm phim quảng bá đánh bóng tên tuổi. Công nghệ Seraphin nghe đầy hoa mỹ nhưng không thể tạo ra sản phẩm, rác không thể xử lý.
Với những thông tin trên, nhiều người đặt dấu hỏi về sự kiểm định tìm kiếm cổ đông chiến lược của một trong những doanh nghiệp lớn nhất cả nước.
Trước đó, một số lãnh đạo BSR dính líu với việc nhận chi lãi ngoài trong đại án OceanBank đã ảnh hưởng ít nhiều đến Tập đoàn, kế hoạch IPO bị trì hoàn liên tục. Mới đây, ban lãnh đạo lọc hóa dầu Bình Sơn cho hay muốn dời thời hạn bán vốn đến tháng 1/2018 với lý do để có thể bán được lượng cổ phần cao hơn.
Hồi cuối tháng 10, lãnh đạo BRS cho hay công ty đã nhận được phản hồi và làm việc trực tiếp với 17 quỹ đầu tư và 5 đối tác, là các tập đoàn lớn.
Trong đó, có hai công ty nước ngoài muốn mua tối đa cổ phần cho phép (49%), gồm World Petro (Mỹ) và Macron Petro Petroleum (châu Phi), đây đều là các tập đoàn kinh doanh lĩnh vực lọc hóa dầu.
Từ giữa năm 2016, BSR muốn tìm kiếm những đối tác có năng lực tài chính mạnh, cùng ngành nghề để phát triển lĩnh vực lọc hóa dầu tại Việt Nam.
Bất ngờ với Tín Thành Group, đại gia muốn thâu tóm 55% lọc hóa dầu Bình Sơn
Tín Thành Group đang sở hữu Ngân hàng Tín Thành Oakwook Bank Corp và Nhà máy Sản xuất, lắp ráp ôtô FIAT Chrysler Automobiles, có ... |