|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hàng Việt trầy trật vào ASEAN

08:11 | 28/10/2016
Chia sẻ
Trong khi hàng hóa từ các nước ASEAN, Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam theo các hiệp định thương mại tự do thì hàng Việt lại không dễ xâm nhập những thị trường này.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước ASEAN chỉ đạt 12,5 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thời điểm AEC chưa có hiệu lực. Trong đó, xuất khẩu qua Thái Lan trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt 2,72 tỷ USD; xuất qua Malaysia 2,32 tỷ USD và Singapore đạt 1,72 tỷ USD, bằng 1/2 kim ngạch nhập khẩu.

Áp lực cạnh tranh trên sân nhà ngày càng khốc liệt buộc DN phải đặt bài toán ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh ở trong nước trước khi tính chuyện đẩy mạnh xuất khẩu. Ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty May Miti, cho biết dù kế hoạch kinh doanh của DN tới thời điểm này vẫn đạt nhưng chưa như kỳ vọng khi sức tiêu thụ trên thị trường nội địa chưa tốt. Miti từng tính tới việc xuất hàng sang một số thị trường trong khu vực nhưng phải gác lại để củng cố thị trường nội địa.

hang viet tray trat vao asean
Mỗi năm, Thái Lan tổ chức hàng chục hội chợ xúc tiến thương mại để đưa hàng Thái tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam Ảnh: TẤN THẠNH

Ngay với mặt hàng đồ chơi trẻ em, dù Công ty Nhựa Chợ Lớn hiện là nhà cung cấp đồ chơi hàng đầu ở thị trường trong nước nhưng theo ông Võ Văn Đức Bảy, phó giám đốc công ty, DN của ông đang phải cạnh tranh khốc liệt với hàng Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines… Sau khi có AEC, hàng ngoại tràn vào càng mạnh mẽ hơn, buộc DN phải tập trung vào các dòng sản phẩm chủ lực như đồ chơi trẻ em cao cấp, hàng điện tử để củng cố sân nhà.

Có kinh nghiệm nhiều năm xuất khẩu hàng thực phẩm đông lạnh, xốt gia vị sang những thị trường khó tính như Anh, Nhật… nên Công ty CP Thực phẩm Cholimex (Cholimex Food) đã đưa hàng sang các nước ASEAN như Singapore, Philippines, Myanmar, Malaysia, Campuchia… Mặc dù có nhiều lợi thế về khoảng cách địa lý, sự tương đồng trong văn hóa ẩm thực của khu vực nhưng sản lượng hàng bán vào các nước này chưa nhiều, tỷ lệ tăng trưởng hằng năm không đáng kể. Tổng doanh thu xuất sang các nước ASEAN chiếm chưa đến 10% tổng doanh thu xuất khẩu hằng năm.

Ông Diệp Nam Hải, Tổng Giám đốc Cholimex Food, đánh giá thị trường ASEAN dù rất tiềm năng nhưng còn khá mới mẻ đối với DN. Công ty vẫn đang trong giai đoạn tìm hiểu thị trường, chen chân vào cạnh tranh với hàng nội địa và hàng Thái Lan. Ngoài ra, các vấn đề chính trị, tôn giáo cũng là rào cản khiến việc làm ăn với các thị trường này tiến triển chậm.

Phải mạnh mới đi xa được

Phân tích thực tế hàng hóa các nước ASEAN đang vào Việt Nam mạnh hơn hàng Việt Nam đi ra khu vực, một chuyên gia trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh cho rằng không nên quá quan trọng việc “mang chuông đi đánh xứ người” mà thời điểm này, các DN nhỏ và vừa Việt Nam càng phải củng cố thị phần ở thị trường nội địa. Trừ những DN chọn con đường gia công, còn lại DN nào muốn phát triển, khai thác thương hiệu ở thị trường khác thì phải thật sự mạnh, có được thị phần nhất định ở trong nước và tính toán thật kỹ bài toán chi phí trước khi muốn vươn ra khu vực.

Việt Nam có không ít DN lớn đã “xuất ngoại” thành công; ngược lại, cũng có rất nhiều DN lớn từ các nước vào Việt Nam, đặc biệt là Thái Lan. Hàng Thái có chi phí sản xuất thấp, chất lượng tương đương hoặc cao hơn hàng cùng loại của Việt Nam nên đang dần lấn át hàng Việt ngay tại sân nhà và thị trường các nước ASEAN. “Cùng một mặt hàng có chất lượng như nhau nhưng chi phí sản xuất hàng Thái chỉ bằng 2/3 hàng Việt thì lợi thế chắc chắn nghiêng về họ” - chuyên gia này nhận xét.

Cũng theo vị này, thời gian gần đây, một số DN ngành thực phẩm đã rất linh động hợp tác chào hàng sang các nước ASEAN. Chẳng hạn, một số DN mì gói, dầu ăn, tiêu… đã hùn nhau đóng container hàng xuất sang Malaysia, Philippines… để chào bán và thăm dò thị trường. Một khi thị trường phản hồi tốt, nhà mua hàng sẽ tăng đặt hàng, dần dà phát triển được.

Các DN lớn như Cholimex Food đặt mục tiêu tăng thị phần ở khu vực ASEAN và đang tính toán cách tiếp cận tốt nhất. Định hướng của Nhựa Chợ Lớn thời gian tới sẽ là đẩy mạnh xuất khẩu để tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do và hướng tới một số thị trường mới, tiềm năng hơn. “Thời gian qua, đồ chơi trẻ em của Nhựa Chợ Lớn bán rất tốt ở các nước lân cận, cạnh tranh với đồ chơi Trung Quốc, Thái Lan trên đất Campuchia, Lào. Mới đây, Nhựa Chợ Lơn đã có đơn hàng xuất khẩu sang một số thị trường khó tính với thương hiệu của mình nên kỳ vọng sẽ phát triển tốt hơn trong thời gian tới” - lãnh đạo công ty chia sẻ.

Công ty TNHH SX&TM Tân Quang Minh (Bidrico), một DN trong ngành nước giải khát, cũng âm thầm khai thác các thị trường mới trong khu vực. Mới đây, hình ảnh sữa chua Yobi của Bidrico xuất hiện ở một vùng quê hẻo lánh tại Myanmar là tín hiệu tích cực cho chiến lược xúc tiến của DN.

Tính toán kỹ chi phí khi xuất khẩu

Bà Lê Hà Mộng Ngọc, Giám đốc Công ty CP Sinh học Nấm Việt (huyện Củ Chi, TP HCM), cho biết cùng với AEC, cộng đồng kinh tế ASEAN - Trung Quốc mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu nấm do hàng rào thuế quan được dỡ bỏ. Công ty đã đưa sản phẩm nấm sang các thị trường Lào, Campuchia thông qua các hội chợ và bán rất tốt. Tuy nhiên, khi bắt đầu xây dựng kênh phân phối ở đây mới phát hiện có rất nhiều chi phí phát sinh khiến giá đội lên khoảng 35% so với bán hội chợ nên khách hàng không chấp nhận. Các chi phí khi bán hàng ở nước ngoài gồm: đăng ký thủ tục, thuê mặt bằng, bán hàng, nhân viên, thuế…

“Đây là bài học kinh nghiệm cho các DN nhỏ khi đưa hàng ra nước ngoài, việc tính toán giá ngay từ đầu là rất quan trọng vì khi mọi thứ đã xong thì đàm phán lại giá rất khó. Vì vậy, hiện tại công ty vẫn chưa đưa hàng chính thức qua Lào, Campuchia dù thực tế sản phẩm của công ty đã được tiêu thụ ở đây thông qua trung gian” - bà Ngọc nêu.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Ng.Ánh

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.