|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hàng trăm dự án bỏ hoang ở Hà Nội: Khe hở thẩm định dự án

06:46 | 12/06/2018
Chia sẻ
Hàng trăm dự án bị bỏ hoang cho thấy việc thẩm định năng lực nhà đầu tư, kiểm soát các dự án sử dụng đất còn nhiều yếu kém của không ít sở, ngành, quận, huyện…
hang tram du an bo hoang o ha noi khe ho tham dinh du an
Nhiều dự án đô thị, bất động sản tại huyện Mê Linh nay đã thành nơi chăn thả trâu bò. Ảnh: Trường Phong.

Khi chủ dự án “lặn mất tăm”

Mới tách địa giới hành chính, quận Nam Từ Liêm hiện có hàng chục dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai. Dự án xây dựng làng sinh thái nghỉ ngơi an dưỡng dịch vụ quốc tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Cty TNHH Dịch vụ cung ứng ứng dụng công nghệ thông tin Ecco nhiều năm nay không thấy chủ đầu tư xuất hiện dù quận mời lên làm việc, lãnh đạo quận nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án có diện tích khoảng 7,5ha đã bị kiến nghị thu hồi nhiều lần. Chủ đầu tư đã bỏ ra rất nhiều tiền để giải phóng mặt bằng. “Nếu không được làm tiếp thì chủ đầu tư sẽ “chết”. Chúng tôi nghĩ rằng, họ đang tìm cách chuyển nhượng dự án. Chúng tôi đã gọi nhiều lần mà không thấy lên”, vị lãnh đạo quận thông tin. Vị này cũng cho biết, tình hình chủ đầu tư không hợp tác diễn ra phổ biến. “Như dự án trường mầm non quốc tế của Edico. Người ta chẳng lên. Chúng tôi cũng không biết làm thế nào cả”, vị lãnh đạo quận nói.

Ông Bùi Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, nói: “Chúng tôi rất muốn các dự án sớm triển khai, sớm đưa vào hoạt động để tạo ra sản phẩm cho xã hội, đồng thời tránh gây bức xúc cho dân. Còn 240ha quỹ đất giải phóng mặt bằng dở dang phải làm tiếp của 18 dự án. Nếu thúc đẩy lên được thì sẽ thu thêm được 2.400 tỷ đồng, góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.

Không còn đủ năng lực tài chính

Là địa bàn giáp ranh nội đô và sắp lên quận, huyện Hoài Đức tồn tại hàng loạt dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, thậm chí, có chủ đầu tư không còn tín hiệu hoạt động. “UBND huyện cùng với các ngành đi kiểm tra, rà soát, phát hiện một vài Cty không thấy hoạt động nữa, ví dụ như Cty Đại An Sinh có dự án tại xã Vân Canh”, lãnh đạo UBND huyện Hoài Đức nói.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, nhận định, có những dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư hàng chục năm trước, đến nay, nhiều chủ đầu tư không còn đủ năng lực thực hiện dự án. “Có những dự án đến nay 12 năm rồi. Không thực hiện thì phải bãi bỏ đi. Năng lực lúc đó và bây giờ khác nhau hoàn toàn. Thêm 12 tuổi thì già yếu đi rồi, làm sao như lúc trước được”, ông Nghĩa nói.

Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Mai Xuân Vinh cho biết, Sở Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Sở KH&ĐT trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án liên quan năng lực tài chính của chủ đầu tư. “Hiện nay, luật quy định, tất cả các phần về năng lực tài chính của chủ đầu tư đều trên cơ sở tự kê khai và báo cáo của chủ đầu tư… Cũng có đơn vị vốn chủ sở hữu là 100 tỷ đồng, nhưng đã đầu tư các dự án khác, có tình trạng nợ khó đòi, cũng có cái thua lỗ, thực ra không còn đủ năng lực, nhưng trên giấy tờ vẫn ghi là có vốn”, ông Vinh cho biết.

Theo ông Vinh, hiện nay, việc triển khai các dự án mới có quy định về ký quỹ. Nếu dự án không triển khai thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử lý khoản tiền ký quỹ này. Thời gian tới, sẽ có nhiều sửa đổi về quy định trong việc hậu kiểm, đánh giá năng lực của chủ đầu tư để xử lý việc chậm triển khai dự án, vi phạm pháp luật. Hiện nay, đối với các dự án chậm triển khai, luật quy định từ ngày 1/7/2014, các trường hợp bị thu hồi sẽ không được bồi hoàn tài sản trên đất cũng như tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. “Nếu thu hồi mà không bồi hoàn cho người ta một cái gì cả, kể cả tài sản trên đất, giá trị đầu tư trên đất thì chủ đầu tư sẽ bất hợp tác, chống đối”, ông Vinh nói.

(Còn nữa)

Xem thêm

Trường Phong