Hãng tivi Trung Quốc bán tại Việt Nam lên tiếng về tấm bản đồ không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Mới đây trên một diễn đàn về việc làm, một người tự xưng là nhân viên TCL Electronics đã đăng tải hình ảnh về tấm bản đồ Việt Nam được dán tại trụ sở chi nhánh công ty ở Quận 5, TP HCM. Trên tấm bản đồ biểu thị thị phần của TCL tại ba miền Bắc - Trung - Nam, tuy nhiên, không có sự xuất hiện của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Người này cho biết thêm ban đầu đội thi công có để hình ảnh hai quần đảo, nhưng sau đó sếp TCL đã yêu cầu gỡ ra.
Thông tin này đang lan truyền nhanh chóng trên các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam.
Sáng 25/5, TCL Electronics Việt Nam đã ra thông cáo chính thức về sự việc. Công ty cho biết đây là bản đồ Chiến lược phát triển kinh doanh 2023 tại văn phòng.
Tuy nhiên, TCL khẳng định hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội là không đúng sự thật và gây hiểu lầm cho thương hiệu.
“Hiện tại có rất nhiều hình ảnh sai lệch thông tin về tấm bản đồ đang được lan truyền trên mạng xã hội mang tính công kích. Các thông tin chính thống của TCL được đăng tải duy nhất tại Fanpage TCL Electronics (Vietnam) và website tcl.com.
TCL Electronics Việt Nam rất lấy làm tiếc vì hiểu lầm gây ảnh hưởng đến uy tín và niềm tin khách hàng dành cho thương hiệu của chúng tôi”, phía TCL thông tin.
Tình hình kinh doanh của TCL tại Việt Nam
TCL được thành lập năm 1981, là một tập đoàn điện tử đa quốc gia có trụ sở ở Quảng Đông, Trung Quốc. Công ty bắt đầu hiện diện tại Việt Nam từ năm 1998 và Việt Nam cũng là chi nhánh đầu tiên của TCL tại nước ngoài.
TCL Việt Nam chính thức thành lập vào ngày 29/10/1999 với số vốn đăng ký ban đầu là 11,5 triệu USD. Công ty đặt 3 trụ sở chính tại 3 thành phố lớn: TP HCM, Đà Nẵng và Hà Nội. Nhà máy TCL đặt tại Đồng Nai có diện tích 31.000 m2.
Giai đoạn 2004 - 2014, để tiếp cận với người tiêu dùng Việt Nam, TCL đã liên kết và hợp tác với các đối tác bán lẻ trên khắp thị trường, đồng thời ra mắt các thế hệ TV như: TV LCD, Smart TV , LED TV, 3D TV, 4K UHD TV,… với mức giá thấp.
Từ 2015 - 2016, TCL hợp tác với các nhà cung cấp nội dung số tại Việt Nam như Zing TV, đồng thời cho ra mắt hai thế hệ sản phẩm Zing TV.
Năm 2019, sau 20 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, TCL cho biết họ đã có những đối tác bán lẻ trải dài khắp mọi miền từ các cửa hàng truyền thống đến các kênh chuỗi. Cùng năm, TCL đổi tên thành Công ty TNHH Điện tử Thông Minh TCL (Việt Nam) và đặt nhà máy trị giá 53 triệu USD tại Bình Dương.
Hiện tại, TCL đang hợp tác với hơn 200 đối tác kinh doanh và phân phối các sản phẩm TV trên khắp Việt Nam. Theo TCL, năm nay, công ty đặt mục tiêu chiếm thị phần số 1 tại khu vực miền Nam, đồng thời giành thị phần số 2 tại khu vực miền Bắc và miền Trung.
Trên thế giới, theo báo cáo từ Omdia , TCL chiếm 11,7% thị phần, xếp thứ hai về doanh số TV toàn cầu đồng thời đứng đầu phân khúc Android Smart TV. Tổng doanh số TV toàn cầu năm 2022 của hãng đạt 23,8 triệu chiếc.
Báo cáo giải thích các nhà sản xuất như TCL vẫn tăng đều đặn doanh số bán hàng giúp tăng quy mô thị phần chung là do ở các thị trường mới nổi, TV giá rẻ và trung bình bán chạy, điều này góp phần thúc đẩy sự phát triển của các thương hiệu.